Trước cơn sốt khuyến mãi tặng 100-130% giá trị thẻ nạp, các mạng di động đang đối mặt với nguy cơ mất khách hàng trung thành khi họ ồ ạt chuyển sang thuê bao trả trước. >Các đòn khuyến mãi hiểm cước di động / Thuê bao di động trả sau bị hắt hủi
Chị Quỳnh Anh là một khách hàng sử dụng dịch vụ trả sau của MobiFone cách đây 5 năm, mỗi tháng đều đặn trả cho hoá đơn cước gần 1 triệu đồng. Do phải giao tiếp nhiều với khách hàng qua di động nên chừng ấy năm chị vẫn lựa chọn dịch vụ trả sau cho tiện.
Thế nhưng cuối tuần trước, chị quyết định đổi sang thuê bao trả trước. "Ông xã và các con đều dùng dịch vụ trả trước. Anh em bạn bè cũng chẳng có ai dùng trả sau. Tôi thấy mọi người nhẩm tính nếu cộng các chương trình khuyến mãi lại thì các cước các cuộc gọi của trả trước đang thấp hơn khoảng 50% so với trả sau. Mọi người khuyên tôi nên chuyển đổi dịch vụ", chị Quỳnh Anh nói.
|
Thuê bao trả sau than bị đối xử bất công. Ảnh: MK. |
Anh Trịnh Quốc Tuấn - một khách hàng của mạng di động Viettel cũng vừa chia tay dịch vụ trả sau sau gần 4 năm gắn bó. Anh cho hay, xài dịch vụ trả trước tiện lợi hơn nhiều so với trả sau và khách hàng có thể kiểm soát được số tiền trong tài khoản đến từng đồng xu một. Chẳng hạn, muốn kiểm tra số tiền trong tài khoản, thuê bao trả sau chỉ cần bấm số *101# hoặc *102# còn với thuê bao trả sau phải làm các thao tác soạn tin nhắn "tra cuoc" roi gui đến số 195 và đợi một lúc sau mới có tin nhắn trả lời. Thời gian kiểm tra tài khoản với trả trước không bị giới hạn còn với trả sau thì một ngày chỉ được một lần.
Về giá cước, theo anh Tuấn, nếu cộng dồn các chương trình khuyến mãi lại thì cước đối với dịch vụ trả trước đang thấp hơn khoảng 40-50% so với trả sau. Chẳng hạn một phút gọi trả trước chỉ khoảng 1.300 đồng (gọi nội mạng) và 1.500 đồng gọi ngoại mạng, nhưng với các chương trình khuyến mãi dày đặc, cước chỉ còn khoảng 650-750 đồng. Trong khi đó, giá cước dịch vụ trả sau là 990 đồng cho một phút gọi nội mạng và 1.090 đồng cho mỗi phút gọi ngoại mạng, chưa bao gồm thuế VAT. Như vậy nếu tính luôn cả thuế thì cước gọi nội mạng là 1.089 đồng một phút gọi nội mạng và 1.199 đồng cho mỗi phút gọi ngoại mạng. Chưa kể, mỗi tháng, khách hàng phải đóng trước 50.000 đồng cước thuê bao...
Anh Tuấn kết luận: "Là khách hàng được coi là VIP nhưng tôi thấy các thuê bao trả sau bị đối xử bất công, cước cao mà thủ tục rườm rà, đi nước ngoài roaming phải có tiền đặt cọc, nhắn tin, gọi điện đi quốc tế cũng chịu phí cao hơn. Thử hỏi làm sao tôi có thể trung thành với nhà mạng".
Mấy tuần qua, các cửa hàng đại lý chứng kiến cảnh nhiều thuê bao trả sau chuyển đổi dịch vụ sang trả trước, nhất là khi nhà mạng áp dụng chương trình khuyến mãi tặng 100-130% giá trị thẻ nạp.
Cửa hàng của Viettel tại phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội ghi nhận hầu hết khách hoà mạng mới đều là thuê bao trả trước. Số khác đến hỏi về hình thức chuyển đổi dịch vụ trả sau sang trả trước.
Nhân viên tại trung tâm giao dịch của một cửa hàng MobiFone trên phố Bà Triệu, Hà Nội cũng tiết lộ, mỗi ngày có tới hàng chục hợp đồng của khách hàng yêu cầu chuyển hình thức sử dụng sang trả trước. Hầu hết họ cho rằng bị đối xử bất công và sử dụng trả trước đang có lợi hơn rất nhiều. "Những khách hàng mang đầy đủ hợp đồng, chứng minh thư tới đây thì được chuyển đổi dịch vụ nhanh chóng. Số khác không đủ điều kiện thì nói rằng nhà mạng đang làm khó không muốn cho khách hàng chuyển đổi. Nói chung rất phiền phức", nhân viên giao dịch này nói.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhà khai thác di động VinaPhone, dù ông lớn này đã bắt đầu tung chiến dịch "chiều chuộng khách hàng VIP" từ tháng 8.
Trao đổi với VnExpress.net, cả ba nhà khai thác lớn nhất - VinaPhone, MobiFone và Viettel cùng ghi nhận có hiện tượng thuê bao trả sau chuyển sang trả trước ngày một nhiều và họ đang tìm cách để "sửa sai", kéo chân khách hàng trung thành.
Một quan chức Viettel nói rằng, mạng di động này đã có rất nhiều chính sách ưu ái với thuê bao trả sau, chỉ có điều các chương trình này làm âm thầm nên ít khách hàng nhận ra. "Chúng tôi đang triển khai một loạt chương trình chăm sóc đặc biệt với đối tượng khách hàng này tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và Viettel tiếp tục cân nhắc chính sách giá và hình thức khuyến mãi cho các thuê bao trả sau", vị quan chức này nói.
Cả nước đang có trên 80 triệu thuê bao di động, trong đó, VinaPhone, MobiFone và Viettel đang chiếm thị phần lớn. Vài năm trước thuê bao trả sau chiếm khoảng 10-15% trên tổng số thuê bao của các mạng di động, nhưng vào thời điểm hiện tại, con số này chỉ vào khoảng 3-5%. Trong khi đó, doanh thu mà các khách hàng trả sau đó góp cho nhà mạng lại chiếm khoảng 50%.
Hồng Anh
|