EngLish l Vietnamese
KINH TE - CHÍNH TRỊ
KINH DOANH
 

Hết tăng lãi suất lại rầm rộ khuyến mại cho khách gửi tiết kiệm tiền đồng, ngân hàng đang khiến người ngoài cuộc không khỏi thắc mắc sao phải chạy đua hút vốn khi tín dụng được yêu cầu kiểm soát ngặt nghèo hơn trước.
> Tín dụng nóng hay lạnh

Vài tuần trước, lãi suất chỉ tập trung tăng ở kỳ hạn dài và các ngân hàng thường lấy mức đỉnh để khoe với khách rằng chính sách huy động vốn của tôi rất hấp dẫn. Lãi suất tiết kiệm 36 tháng của vài ngân hàng hiện vượt 10%, gần bằng trần lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (10,5%).

Nhưng nay, họ tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn, từ vài tuần cho tới 3 tháng. Riêng trong tuần qua, các ngân hàng nhỏ đã tăng lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống thêm 0,2-0,5% một năm. Hơn 30 ngân hàng đang huy động kỳ hạn 3 tháng với lãi suất trên 8%, cá biệt Maritime Bank còn đẩy tới 8,8%, thay đổi đáng kể so với mặt bằng 5-6% của toàn thị trường một hai tháng trước.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tuần qua, nơi các ngân hàng cho vay lẫn nhau, cũng biến động mạnh ở tất cả các kỳ hạn, mức tăng thấp nhất là 0,68%. Đáng chú ý, lãi suất bình quân các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần và 12 tháng có mức tăng trên 1%. Nếu vay qua đêm, các ngân hàng đã phải trả cho nhau lãi suất tới 7,2% một năm, tăng 1,39% so với trước đó. Lãi suất các kỳ hạn còn lại dao động trong khoảng từ 8,28% đến 9,50%. Biến động lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thường phản ánh sát nhất trạng thái nguồn vốn của các ngân hàng thành viên.

Hết cửa tăng theo đường chính thức, các ngân hàng tìm tới chiêu khuyến mại. VPBank từ đầu năm tới nay có 3 chương trình khuyến mại và một chương trình chăm sóc khách hàng gửi tiền. Liên Việt Bank ít dùng tới biện pháp khuyến mại nhưng nay cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi ưu đãi lãi suất trung dài hạn kèm theo nhiều điều kiện hấp dẫn khác. Phần lớn các ngân hàng hiện đều có ít nhất một chương trình để lôi cuốn khách hàng.

Chênh lệch lãi suất giữa các kỳ hạn khác nhau ngày càng thu hẹp. Ảnh: Hoàng Hà
Ngân hàng thường trưng lãi suất của kỳ hạn dài nhất ra để đánh vào tâm lý ham lãi suất cao của khách hàng. Ảnh: Hoàng Hà

Nhìn vào hành động tăng lãi suất và chạy đua khuyến mại của các ngân hàng, ai cũng có thể dễ dàng kết luận họ đang thiếu vốn tiền đồng, thậm chí đến mức căng thẳng. Áp lực lớn nhất vẫn đến từ chương trình kích cầu của Chính phủ, khiến nhu cầu vay vốn tiền đồng tăng vọt, đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 4 đến đầu tháng 7. "Nếu cứ giải ngân theo tốc độ của mấy tháng trước, các ngân hàng chắc không kham nổi", Tổng giám đốc Ngân hàng Bảo Việt Phan Đào Vũ trao đổi với VnExpress.net.

Tổng giám đốc PGBank Nguyễn Quang Định chia sẻ quan điểm này, và cho biết áp lực về vốn sẽ lớn hơn nếu Ngân hàng Nhà nước ra khuyến cáo hạn chế dùng vốn từ thị trường hai (liên ngân hàng) cho vay thị trường một (cho vay với nền kinh tế). Năm ngoái, do căng thẳng về vốn, nhiều ngân hàng đã dùng một tỷ lệ lớn vốn vay được từ thị trường hai cho vay với thị trường một. Tình hình năm nay đỡ hơn, song nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có khuyến cáo để hạn chế rủi ro.

Nhiều ngân hàng cùng cho rằng nên dần giãn tiến độ giải ngân gói kích cầu và tiến tới dừng hẳn, khi đó doanh nghiệp sẽ quan tâm nhiều hơn tới vốn vay ngoại tệ, áp lực với vốn tiền đồng tức khắc giảm theo. Tới 13/8, toàn hệ thống đã cho vay hơn 395.000 tỷ đồng vốn hỗ trợ lãi suất 4%, trong khi kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước sẽ giải ngân khoảng 420.000 tỷ.

Trong khi chương trình vẫn triển khai, các ngân hàng phải tự giải tỏa áp lực bằng cách tăng lãi suất và khuyến mại để hút vốn. Tuy nhiên, khuyến mại phải thực hiện theo chương trình đã đăng ký. Còn lãi suất khó lòng tăng cao hơn nếu lãi suất cơ bản không thay đổi. Theo tính toán của ông Định, chênh lệch bình quân lãi suất cho vay và huy động phải ở mức 2,5-3% trở lên, ngân hàng mới có lãi. Với lãi suất cơ bản 7%, các ngân hàng không được phép cho vay quá 10,5%. Chênh lệch chi phí đầu vào và đầu ra hiện quá mỏng, ngân hàng khó lòng đẩy lãi suất huy động lên cao hơn.

Đành rằng huy động vốn lúc này rất khó khăn, song nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao ngân hàng cứ làm khó mình, cố gắng vét vốn làm gì khi mà quota tín dụng không còn nhiều. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống trong cả năm nay sẽ là 25-27%, riêng khối quốc doanh được giao cứng 25%. Tốc độ tăng trưởng dư nợ 7 tháng đã đạt ngưỡng 22%. Như vậy 5 tháng cuối năm ngân hàng sẽ chỉ còn dư địa 5% và quá lắm cũng chỉ là 8% nếu chỉ tiêu tăng trưởng được nới lên 30%.

Tiến độ giải ngân từ chương trình kích cầu cũng đang giảm dần, chỉ còn vài nghìn tỷ đồng mỗi tuần. Vì thế, áp lực nguồn vốn cũng không còn lớn như trước. "Một số ngân hàng đang thiếu hụt tiền sau giai đoạn giải ngân gói kích cầu. Thanh khoản căng thẳng hơn do một số huy động không kịp nhu cầu. Song thiếu hụt hiện nay chỉ là tạm thời và không phải là vấn đề lớn", ông Phạm Thành Thái Lĩnh, Phó phòng phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận xét.

Quy định mới của Ngân hàng Nhà nước về việc khống chế tỷ lệ dùng vốn ngắn cho vay dài hạn ở mức 30% cũng chưa ảnh hưởng nhiều tới ngân hàng. Quy định có hiệu lực từ cuối tháng 9, song đến đầu 2010 các ngân hàng có tỷ lệ vượt 30% mới phải điều chỉnh. Hơn nữa, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, chỉ một vài ngân hàng đang dùng quá 30% vốn ngắn hạn cho vay dài hạn.

Lúc này, nhà đầu tư và giới kinh doanh ngân hàng đang ít nhiều bị chi phối bởi thông tin đồn thổi sau cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia tuần qua về khả năng tăng trưởng tín dụng ở mức 30% và có thể có thêm gói kích cầu mới sau khi chương trình hỗ trợ 4% lãi suất kết thúc vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net chiều 18/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định từ nay tới cuối năm, mọi chính sách tiền tệ được giữ ổn định, lãi suất cơ bản sẽ không tăng và không có chuyện nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tiền tệ Quốc gia cũng cho biết đề xuất có gói kích cầu mới chỉ là ý kiến của một cá nhân chứ không phải là kiến nghị chung của tất cả các thành viên hội đồng. Các cơ quan chức năng đang nghiên cứu có nên ra đời một gói kích cầu thứ hai hay không, nếu có thì ở mức độ nào, song vẫn chưa hình thành thành một chủ trương và kiến nghị chung.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết gần đây có vài khách hàng đã đến đặt vấn đề vay vốn cho dự án của năm sau, song không hề để tâm tới chuyện có thuộc diện hỗ trợ 4% lãi suất hay không. "Gói kích cầu thứ nhất đã hoàn thành sứ mệnh của nó, doanh nghiệp từ chỗ không buồn tới ngân hàng nay nhu cầu vay vốn không những phục hồi mà tăng lên mạnh mẽ và có thể sẽ vẫn tốt lên nếu không còn hỗ trợ. Kiểm soát tín dụng là hợp lý, song chỉ nên thắt chặt với chứng khoán và bất động sản. Nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh nên được đáp ứng", vị tổng giám đốc này nói thêm.

Song Linh

Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần máy tính và truyền thông Việt Nam
Địa chỉ: 18 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện Thoại: 844 7715126 - 844 8 344665, Fax 844 8343466