Giáo sư Joseph Stiglitz, chủ nhân giải Nobel kinh tế 2001, vừa có bài viết về cách ứng xử của thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển đối với cuộc khủng hoảng toàn cầu. Ông cảnh báo, 200 triệu người sẽ rơi vào cảnh đói nghèo nếu các biện pháp đúng đắn không được thực thi ngay.
Bài viết "Các nước đang phát triển và cuộc khủng hoảng toàn cầu" vừa đăng tải trên Project Syndicate - một tờ báo phi lợi nhuận tại Mỹ, chuyên công bố các bài bình luận, phân tích của chuyên gia, nhà kinh tế, những người đoạt giải Nobel...
|
Giáo sư Josept Stiglitz 66 tuổi. Ảnh: fromthefrontline |
Nhiều khả năng 2009 là năm tồi tệ nhất của kinh tế toàn cầu kể từ Thế chiến thứ 2, với dự báo của Ngân hàng Thế giới kinh tế có thể suy giảm 2%. Thậm chí cả những nước đang phát triển đã có nhiều chính sách đúng (và có những chính sách quản lý, kinh tế vĩ mô tốt hơn cả Mỹ) cũng bị ảnh hưởng.
Sự suy giảm nghiêm trọng và kéo dài của xuất khẩu được xem là lý do chính. Trung Quốc vẫn tăng trưởng nhưng sẽ chậm hơn rất nhiều so với mức 11-12% của những năm gần đây. Nếu những biện pháp đúng đắn không được thực thi ngay, thì cuộc khủng hoảng sẽ đẩy khoảng 200 triệu người vào đói nghèo.
Giáo sư Joseph Stiglitz từng đến Việt Nam trong các năm 2001 và 2004. Ông hiện là giáo sư kinh tế Đại học tổng hợp Columbia, mới được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban chuyên gia của Liên hợp quốc, chịu trách nhiệm vấn đề đối mới hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế. |
Cuộc khủng hoảng toàn cầu cần có một phản ứng toàn cầu, nhưng rất không may điều này lại phụ thuộc vào từng quốc gia. Mỗi nước sẽ cố gắng thiết kế một chương trình kích thích nhằm tạo ra tác động tích cực đối với đời sống người dân, nhưng sẽ không tạo được động lực cho toàn cầu. Các nước sẽ phải cân đối chi phí, lợi ích thu được với tăng trưởng kinh tế và việc làm. Một phần lợi ích (trong trường hợp các nền kinh tế mở và nhỏ) của gói kích thích sẽ thất thoát, vì vậy các gói kích thích nhiều khả năng sẽ bị thu nhỏ lại khi triển khai và có cơ cấu không hợp lý. Một gói kích thích phối hợp toàn cầu là cần thiết.
Đây là một trong nhiều thông điệp sẽ phát ra từ Ủy ban Chuyên gia của Liên hợp quốc về khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cơ quan này do tôi làm chủ tịch và gần đây đã có báo cáo cho Liên hợp quốc.
Báo cáo này ủng hộ nhiều kế hoạch của nhóm G20, nhưng cũng nêu ra nhiều giải pháp mạnh hơn tập trung vào các nước đang phát triển. Ví dụ, mặc dù mọi người đều công nhận rằng hầu hết tất cả các nước cần phải đưa ra các gói kích thích kinh tế (theo học thuyết kinh tế của Keynes), nhiều nước đang phát triển không có nguồn lực để làm việc này. Kể cả những tổ chức tài chính quốc tế cũng không có.
Nhưng nếu chúng ta muốn tránh một cuộc khủng hoảng nợ mới, thì hầu hết tiền sẽ phải được cấp dưới dạng không hoàn lại. Trong quá khứ, sự giúp đỡ như vậy thường kèm theo điều kiện, mà hầu hết các điều kiện này dẫn tới chính sách tài khóa và tiền tệ có thể khiến kinh tế thu hẹp (chẳng hạn thắt chặt ngân sách, tăng thuế, tăng lãi suất…). Họ cũng sẽ áp đặt các luật lệ mở cửa thị trường tài chính, vốn được xem là những nguyên nhân gốc của khủng hoảng lần này.
Vì những lý do dễ hiểu, nhiều nước ngần ngại và mặc cảm khi phải đi vay Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Có một sự thất vọng không chỉ từ người vay, mà cả đối với người cung cấp nguồn cho các khoản vay. Luôn có những nguồn vốn lớn từ các nước Châu Á và Trung Đông, nhưng tại sao họ lại phải cung cấp tiền cho những tổ chức mà lá phiếu của họ không có nhiều ý nghĩa.
Rất nhiều những sáng kiến cải tổ đối với IMF và Ngân hàng Thế giới cuối cùng cũng đã được đặt lên bàn. Nhưng quá trình cải tổ lại quá chậm, và khủng hoảng thì không chờ đợi. Vì vậy rất cần thiết phải cho phép việc cung cấp tài trợ qua nhiều kênh khác nhau, kể cả các tổ chức khu vực. Các chương trình cho vay mới có thể được thiết kế với những cơ cấu quản trị phù hợp hơn với thế kỷ 21. Nếu điều này được làm nhanh (tôi cho là có thể), thì những chương trình đó sẽ là kênh quan trọng trong giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ
Tháng 11/2008, hội nghị thượng đỉnh G20 đã kịch liệt phản đối chủ nghĩa bảo hộ và các thành viên cam kết không thực hiện. Rất không may, các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng 17 trong số 20 nước đã thực hiện các biện pháp bảo hộ này, đặc biệt là Mỹ với điều khoản “Mua hàng Mỹ” cài vào các gói kích thích kinh tế.
Đã từ lâu người ta biết rằng các khoản hỗ trợ từ chính phủ gây ra những tác động xấu đến kinh tế toàn cầu. Và rất không công bằng khi các nước giầu có tiền để làm điều này trong khi các nước nghèo thì không. Không có một sân chơi công bằng trên nền kinh tế toàn cầu. Các chính sách kích thích và cứu trợ ngân hàng của Chính phủ Mỹ đã thay đổi mọi thứ, có lẽ là những thay đổi không thể đảo ngược.
Thật vậy, kể cả những công ty ở những nước công nghiệp phát triển cũng thiệt thòi nếu không nhận được trợ cấp. Tuy vậy họ có sức để tiếp tục chịu rủi ro, trong khi các nước khác thì không thể, vì các nước lớn này biết rằng nếu họ thất bại thì Chính phủ sẽ lại cứu họ. Các nước phát triển cần phải nhận thức hậu quả của các chính sách hỗ trợ và bảo lãnh của mình với nền kinh tế toàn cầu và phải cung cấp những khoản hỗ trợ cho những nước đang phát triển.
Một trong những giải pháp trung hạn quan trọng mà Ủy ban Chuyên gia của Liên hợp quốc về khủng hoảng kinh tế toàn cầu là tạo ra hội đồng phối hợp kinh tế toàn cầu, không chỉ để phối hợp chính sách kinh tế mà còn đánh giá các vấn đề hiện tại và sự chênh lệch giữa các quốc gia. Khủng hoảng đang lún sâu hơn, thậm chí thế giới sẽ gặp tình trạng phá sản quốc gia. Nhưng chúng ta cũng chưa có cơ chế đầy đủ để đối mặt với những vấn đề này.
Và hệ thống dự trữ quốc tế bằng đôla - xương sống của hệ thống tài chính toàn cầu – đang lung lay. Trung Quốc đã tỏ ý quan ngại, và người đứng đầu Ngân hàng Trung ương đã tham gia vào Ủy ban Chuyên gia của Liên hợp quốc về khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhằm đặt ra một hệ thống dự trữ toàn cầu. Ủy ban Chuyên gia của Liên hợp quốc về khủng hoảng kinh tế toàn cầu cho rằng giải quyết vần đề - đã được Keynes nêu ra 75 năm trước – là cần thiết nếu chúng ta mong muốn có một sự phục hồi ổn định và vững chắc.
Những cải tổ đó sẽ không diễn ra nhanh chóng. Nhưng chúng sẽ không diễn ra nếu chúng ta không bắt đầu công việc từ hôm nay.
Chí Hà dịch
|