Phải săn lùng giành giật, thậm chí chi đậm để có suất mua căn hộ, nhiều khách hàng khi vỡ lẽ ra chỉ là dự án giấy, sai chức năng hoặc tệ hơn nữa là mất tiền... thì sự đã rồi. > Mua nhà cao cấp bị cấm ở / Bay cả gia sản vì tin lời môi giới nhà đất
Từng lăn lộn trong vòng lẩn quẩn của những cơn nóng sốt - đóng băng địa ốc, anh Hùng, một khách mua căn hộ The Adonis 2 chia sẻ với VnExpress.net, đầu năm 2008, khi dự án mới công bố, những nhà đầu tư thứ cấp cũng như đơn vị môi giới đã giở đủ chiêu tranh mua, cướp bán: từ mánh lới ngọt nhạt giành giật đến mắng chửi, xô xát nhau, chỉ để được đặt cọc mua dăm ba căn hộ kiếm lời.
"Chúng tôi rơi vào cái bẫy của chính mình. Ai nấy đều hăng say gom tiền bạc, thậm chí cả gia tài để mua căn hộ Adonis trong niềm hả hê, sung sướng. Chỉ cần một suất bán căn hộ sang tay ngay lời ít nhất 50-70 triệu đồng, đó là chưa kể có người sẵn sàng chi 110-150 triệu đồng tiền chênh lệch nên ai mà không ham".
|
Khách hàng mua căn hộ Adonis đang ký đơn đòi tiền chủ đầu tư là Công ty Phục Hưng (trước đó là Vạn Thịnh Hưng). Ảnh: Vũ Lê. |
Còn vợ chồng anh Thanh có phần ngượng ngùng bộc bạch, lúc hay tin căn hộ Adonis 2 đang nóng sốt thì đã không còn hàng. Anh phải vừa năn nỉ vừa cho cô thu ngân 500 nghìn đồng để được giới thiệu qua một người môi giới khác chia lại một căn hộ. Rồi anh gặp được một môi giới và phải chi gần 100 triệu đồng tiền chênh lệch mua căn hộ xong. Anh đã cảm ơn cô này bằng một chầu ăn nhậu thượng hạng.
Song chỉ 20 ngày sau thì dự án Adonis 2 lộ tẩy rao bán lố tầng, rồi chủ đất đã lấy lại mặt bằng, dự án bị xóa sổ, tiền tỷ của khách hàng cứ thế mà bốc hơi vì chưa ai được trả lại trọn vẹn số vốn đã đóng. Xấp hồ sơ, hợp đồng hợp tác đầu tư mà anh Thanh giữ để làm cớ đi đòi tiền chủ đầu tư - Công ty Phục Hưng (trước đó là Vạn Thịnh Hưng) cầm bằng như "cỏ rác".
Hiện Công ty Vạn Thịnh Hưng đã di dời trụ sở đến nhiều nơi, đổi tên doanh nghiệp thành Phục Hưng và dây dưa chuyện trả tiền cho khách hàng nhưng vẫn chưa bị sờ gáy. Thậm chí, đơn vị này còn mạnh miệng đề nghị nhà đầu tư chịu lỗ 15% vốn và trích 15% số tiền đã đóng để tiếp tục đầu tư vào dự án khác của doanh nghiệp.
Bi kịch trên chưa phải là hồi kết, sau Adonis lại là những vở tuồng cũng hài hước không kém. Sự kiện đang gây xôn xao giới kinh doanh địa ốc Sài Gòn trong tháng 5 là số phận của dự án The Manor giai đoạn 2 còn gọi là The Manor Officetel (quận Bình Thạnh).
Ông Đoàn mua căn hộ The Manor Officetel với giá hơn 40 nghìn USD đau khổ khi hay tin UBND TP HCM thông báo dự án này không có chức năng cư trú. Điều này đồng nghĩa với việc ông không được phép sử dụng để ở lâu dài, không có chủ quyền nhà, cũng không được nhập hộ khẩu tại đây. Ông chỉ là một trong số hơn 600 nạn nhân mua sản phẩm này.
|
Dự án The Manor Officetel đã bán hơn 600 căn hộ thì bị UBND TP HCM yêu cầu xác định lại công năng của dự án. Theo đó các căn hộ này sẽ không có chức năng cư trú mà chỉ là căn hộ văn phòng. Ảnh: Vũ Lê. |
Trên thực tế, ngay từ khâu thẩm định thiết kế xây dựng, dự án The Manor Officetel do Công ty Bitexco làm chủ đầu tư đã được cơ quan chức năng khẳng định có chức năng căn hộ văn phòng. Thế nhưng doanh nghiệp đã "táo bạo" rao bán đây là căn hộ đa chức năng, vừa dùng để ở, vừa có thể là văn phòng cho thuê, lại còn hứa cấp chủ quyền nhà. Và rồi với màn kịch "chém trước tấu sau", lãnh đạo Công ty Bitexco hứa sẽ tận sức đảm bảo quyền lợi khách hàng bằng việc rà soát các thủ tục với hàng loạt sở ban ngành và lãnh đạo TP HCM. Riêng khách hàng phải tiếp tục thót tim, nhấp nhỏm, hoang mang như ngồi trên lửa.
Không một kịch bản nào giống nhau, đến tình huống của khách hàng mua căn hộ Pasteur Court (quận 3) cũng khiến người trong cuộc cười ra nước mắt. Trường hợp này, chủ đầu tư là Công ty Vạn Thịnh Phát đơn phương chấm dứt hợp đồng, không giao căn hộ dù tòa nhà đã mọc lên hoành tráng. Công năng từ căn hộ chung cư chuyển thành tòa nhà cho thuê. Mặc dù Vạn Thịnh Phát sẵn sàng bồi thường gấp đôi số tiền khách hàng đã đóng nhưng nhiều năm đã trôi đi, nỗi ấm ức của người mua vẫn âm ỉ và nhức nhối mãi.
Hầu hết tấn bi hài kịch như trên thường chỉ xảy ra ở những dự án hình thành trong tương lai. Người đi mua "lúa non" cứ tưởng góp vốn từ giai đoạn đầu giá sẽ rẻ hơn, song ít ai ngờ thương vụ kiểu này rủi nhiều may ít.
Nói như một vị lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM, chuyện cấp phép công trình là của cơ quan chuyên môn, nhưng bán buôn như thế nào là quyền của doanh nghiệp và các công dân. Bất cứ ai có tài sản đều được phép bán, không thể cấm cản. Trong quá trình giao dịch nếu có xảy ra tranh chấp gì thì tòa án sẽ giải quyết.
Trong khi đó, sau quá trình thụ lý điều tra theo đơn thư tố cáo của người dân bị thiệt hại trực tiếp trong dự án Adonis 2, cơ quan cảnh sát điều tra PC15 đã thông báo vụ án này không có yếu tố hình sự. Đôi bên mua bán trên nguyên tắc tự nguyện nên đây là quan hệ dân sự. Cơ quan điều tra "chỉ đường" cho người dân đến tòa án gửi đơn và chờ phân xử.
Trưởng văn phòng luật sư Gia Linh, ông Nguyễn Sa Linh đưa ra lời khuyên, khi mua căn hộ, điều đầu tiên cần làm là tìm một chủ đầu tư có năng lực và uy tín để chọn mặt gửi vàng. Kế đến khách hàng nên yêu cầu chủ đầu tư xác định sở hữu chung, riêng; thời gian giao nhà; các khoản phạt, bồi thường chậm giao nhà bao gồm cả thời gian gia hạn; chất lượng công trình…
Đối với những ai không có kinh nghiệm giao dịch nhà đất nên tìm luật sư tư vấn trước khi quyết định mua bán tài sản. Theo luật sư Linh, một yếu tố quan trọng cần xem xét là, không nên để chủ đầu tư có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu không do lỗi của khách hàng.
Ông Linh phân tích thêm, điều 307, Bộ Luật dân sự có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi một bên vi phạm nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế việc chứng minh tổn thất vật chất khá phức tạp nên cần phải thỏa thuận mức bồi thường cụ thể trong hợp đồng.
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Vũ Lê
|