EngLish l Vietnamese
KINH TE - CHÍNH TRỊ
XÃ HỘI
 

"Nếu tập trung nhiều quyền vào một người mà không chọn được cán bộ tốt thì rất dễ nảy sinh tiêu cực như độc đoán, bè cánh, mất dân chủ", ông Trần Lưu Hải, Ủy viên trung ương, Phó ban Tổ chức trung ương Đảng trao đổi với VnExpress.net về chủ trương thí điểm bí thư kiêm chủ tịch trong năm nay.

- Với việc tiến hành thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch UBND ngay trong năm 2009, Bộ Chính trị đã nhận thấy những hạn chế gì của mô hình cũ?

- Đất nước đang hội nhập sâu vào thế giới, do đó cần phải đổi mới phương thức lãnh đạo để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Đó là 3 lý do quan trọng để Bộ Chính trị quyết định thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND từ cấp quận, huyện trở xuống.

Ông Trần Lưu Hải: Ảnh: Tiến Dũng.

Mặc khác, cấp cơ sở không phải là nơi hoạch định chính sách, mà là cấp thừa hành. Nếu bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch, chủ trương, chính sách được triển khai nhanh hơn, không qua nhiều khâu trung gian và bớt họp hành...

Chủ trương mới cũng sẽ đề cao quyền hạn, trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục được tình trạng né tránh, chồng chéo trong quản lý, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, tinh giản bộ máy. Có những cuộc họp chính quyền có thể kết hợp họp Đảng.

- Theo ông phân tích, mô hình mới có nhiều ưu điểm. Tại sao tới thời điểm này, Bộ Chính trị mới tiến hành thí điểm và chỉ giới hạn từ cấp quận, huyện trở xuống?

- Nhận thức là một quá trình, khi mở cửa, hội nhập, chúng ta thấy mô hình cũ có những cái chưa phù hợp, cần thí điểm để tìm ra những mô hình tốt hơn. Trong các cuộc thảo luận, cũng có ý kiến cho rằng cần tiến hành rộng hơn, đến cả cấp tỉnh. Nhưng ta chủ trương làm đến đâu chắc đến đấy, vừa làm vừa tổng kết để rút kinh nghiệm.

Những tỉnh, thành không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường (theo Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua) thì thực hiện thí điểm 20-30% số đơn vị và thực hiện sau khi kết thúc nhiệm kỳ 2004 -2009 của HĐND vào 25/4. Nơi còn tổ chức HĐND thì chọn 2-3% tổng số xã, thị trấn của địa phương mình để thí điểm. Thời gian thí điểm thực hiện trong năm 2009.

- Ông nghĩ gì trước ý kiến cho rằng, ý nghĩa sâu xa của chủ trương nhất thể hóa là nhằm tăng quyền hạn người đứng đầu của Đảng ở cơ sở?

- Đúng là hiện nay, một số nơi Đảng lấn sân, bao biện, làm thay chính quyền, nhưng cũng có nơi tổ chức Đảng buông lỏng lãnh đạo, vai trò của tổ chức Đảng ở cơ sở mờ nhạt, còn tình trạng khoán trắng việc thực hiện cho chính quyền.

Với việc thí điểm chủ trương, không chỉ vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ mạnh hơn, mà hiệu lực quản lý của Nhà nước cũng mạnh hơn, khắc phục cả hai xu hướng lấn sân hoặc buông lỏng. Người đứng đầu cấp ủy Đảng đồng thời là người đứng đầu chính quyền nên trách nhiệm trước dân sẽ rất lớn và được tăng thêm một số quyền hạn.

- Một số ý kiến lo ngại bí thư đồng thời là chủ tịch có quyền lực quá lớn, có thể dẫn tới tình trạng gia trưởng, chuyên quyền, bè cánh trong khi một số nơi đã không còn tổ chức HĐND - cơ quan giám sát trực tiếp ở cơ sở. Trung ương đã xem xét quan ngại trên như thế nào?

- Tôi cho rằng, công tác nhân sự có tính quyết định khi thực hiện chủ trương này. Nếu tập trung nhiều quyền vào một người mà không chọn được cán bộ tốt thì rất dễ nảy sinh tiêu cực như độc đoán, mất dân chủ hoặc có thể quyết những chủ trương không phù hợp và thực hiện công việc hiệu quả kém.

Vì vậy, ngoài việc chọn cán bộ tốt, đủ đức đủ tài, chúng ta còn phải xây dựng cơ chế giám sát, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn và có quy chế làm việc cụ thể. Giám sát tốt nhất là bằng quy chế, quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cấp ủy Đảng, chính quyền cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cấp dưới. Mặt trận Tổ quốc hiện cũng có vai trò giám sát, phản biện xã hội.

"Tập trung nhiều quyền mà không chọn được cán bộ tốt sẽ nảy sinh tiêu cực". Ảnh: Tiến Dũng.

- Với những địa phương mà chủ tịch và bí thư đều trong độ tuổi cơ cấu, việc chọn người đứng đầu sẽ như thế nào?

Tại những nơi có HĐND (xã, thị trấn), trường hợp bầu lần thứ nhất bí thư cấp ủy không trúng cử, thì cấp ủy chỉ đạo HĐND tiếp tục thảo luận, tạo sự thống nhất trước khi tiến hành bầu lần thứ hai. Trường hợp bầu lần thứ hai vẫn không trúng cử thì có bầu tiếp hay không do HĐND quyết định, cấp ủy phải báo cáo cấp trên để xem xét, quyết định. (Trích hướng dẫn 25 của Ban Tổ chức trung ương)

- Đối với nơi không tổ chức HĐND, chức danh bí thư cấp ủy kiện toàn trước (bầu cử hoặc cấp ủy cấp trên chỉ định), sau đó chức danh chủ tịch UBND do chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm. Đối với nơi còn tổ chức HĐND, sau khi kiện toàn chức danh bí thư, cấp ủy sẽ giới thiệu với HĐND bầu chức danh chủ tịch UBND. Nhân sự này phải còn đủ tuổi tham gia cấp ủy nhiệm kỳ tới (2010-2015)

Với những địa phương mà chủ tịch và bí thư đều trong độ tuổi cơ cấu, không nhất thiết bí thư cũ sẽ kiêm chủ tịch mà do uy tín và trình độ, năng lực của từng người.

- Sau khi thí điểm ở cơ sở thành công, Ban Tổ chức trung ương có đề xuất gì với Bộ Chính trị thực hiện chủ trương nhất thể hóa ở cấp cao hơn?

- Trước mắt, chúng ta thực hiện thí điểm ở cấp cơ sở, đến quận, huyện. Sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm và báo cáo Bộ Chính trị, Ban bí thư để có chủ trương cho thời gian tới.

- Khi công tác tại Hòa Bình, ông đã có thời gian ngắn làm đồng thời 2 "vai" Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, ông thấy việc điều hành khi đó thế nào?

- Việc đảm nhiệm 2 "vai" của tôi khi đó là do tình thế, chỉ trong vài tháng khi chờ đến kỳ họp HĐND tỉnh để bầu Chủ tịch UBND mới

Qua vài tháng, tôi thấy không có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Chủ trương của Đảng được bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND điều hành chính quyền thực hiện nên đi vào cuộc sống nhanh hơn, vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường và công việc hiệu quả hơn.

Việt Anh - Tiến Dũng

Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần máy tính và truyền thông Việt Nam
Địa chỉ: 18 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện Thoại: 844 7715126 - 844 8 344665, Fax 844 8343466