Anh Nguyễn Công Thanh có phen hú vía khi giao dịch tại máy ATM Vietcombank ở 917 Phan Văn Trị, phường 7, quận Gò Vấp. Lúc cho thẻ vào khe, bấm phím anh đã bị điện giật tê người. > Đi rút tiền bị nhốt trong buồng ATM/ ATM Đông Á bị gắn camera quay trộm
Trong cơn mưa rả rích chiều 22/4, anh Thanh với đôi giày ướt sũng dừng lại tại ATM trên đường Phan Văn Trị, TP HCM, để chuyển tiền. Anh hoảng hồn khi cho thẻ vào máy đã bị điện giật đến tê người. Những tưởng chỉ là cảm giác nhất thời, anh tiếp tục bấm phím để thực hiện thao tác chuyển khoản, song, một lần nữa, khi ngón tay vừa chạm vào thân máy cũng là lúc cảm giác tê tê râm ran khắp cơ thể.
Người khách hàng này kể với VnExpress.net, đây là lần đầu tiên gặp tình huống bị điện ATM giật như thế này nên anh loay hoay không biết phải xử lý như thế nào, muốn kết thúc giao dịch cũng không được mà thực hiện tiếp cũng không xong vì không dám cho tay vào nữa. Chợt nhìn sang bên cạnh thấy sọt rác chất đầy những biên lai rút tiền mặt, anh Thanh nảy ra sáng kiến "chữa cháy" bằng cách dùng một vài tờ vứt đi này cuộn tròn lại tạo thành ngón tay cách điện để thực hiện nốt giao dịch còn dang dở.
|
Nhiều khách hàng có cảm giác tê tê khi chạm vào ATM thực hiện giao dịch. Ảnh: T.A. |
Không ít khách hàng cũng gặp tình trạng tương tự như anh Thanh. Mới đây trong cơn mưa, chị Thanh Phương, ngụ ở quận 3 đến rút tiền tại ATM Vietcombank, góc đường Trương Định - Nguyễn Thị Minh Khai, cũng có phen hú vía khi vừa chạm vào máy đã giật bắn mình. "Cảm giác điện giật thể hiện rất rõ", chị Phương cho biết. Trời mưa, không khí ẩm ướt, trong khi máy ATM lại có điện, chị Phương nghĩ ngay đến nguyên nhân chập điện. Cảm giác "mất hết hồn vía" nhanh chóng qua đi, chị liền lấy mảnh giấy cuộn quanh thẻ ATM để giao dịch tiếp.
Trường hợp này không chỉ xảy ra ở ATM Vietcombank. Anh Phan Huy, quận 8, còn gặp sự cố ở ATM Sacombank trên đường Cống Quỳnh, quận 1, khoảng ba tháng trước. Rút kinh nghiệm, "nếu đi rút tiền lúc bị mưa, tôi luôn thận trọng kẹp thêm mảnh giấy vào thẻ để cách điện rồi mới thao tác trên máy ATM để tránh tình trạng bị điện giật", anh Huy cho biết.
Song, do không có thiệt hại gì, với lại luồng điện chạy qua người cũng ở mức độ nhẹ, biết được nguyên nhân và có phương án chữa cháy, nên anh Huy cũng không nghĩ đến việc phải đi khiếu nại ngân hàng. Tuy nhiên, anh cho rằng các ngân hàng nên có giải pháp an toàn, thường xuyên kiểm tra khâu vận hành của máy xem có trục trặc, hở mạch điện gì không; hoặc dán thông báo, cảnh báo tại các máy ATM chưa đủ an toàn cho người dùng trong điều kiện ẩm ướt.
Trưởng phòng quản lý dịch vụ ATM Viecombank Lê Huỳnh Hà cũng khẳng định, vào mùa mưa, nhiều khách hàng ướt sũng người, thậm chí mặc cả áo mưa vào tiếp xúc với máy tạo nguồn dẫn điện. Một số trường hợp thiết bị điện bị chập khiến khách có cảm giác tê tê.
Theo ông Hà, hiện Vietcombank đã chôn dây tiếp đất sâu 2 mét ở nhiều nơi đặt máy để tránh sự cố cho khách hàng giao dịch trong mùa mưa và sẽ tiếp tục lắp đặt ở những địa điểm chưa có thiết bị này. Tuy nhiên, tại những siêu thị, nhà hàng, khách sạn, công tác lắp đặt dây này không thể thực hiện được.
Liên quan đến sự cố khi đi rút tiền, mới đây một khách hàng vào giao dịch tại ATM của ngân hàng Á Châu (ACB), góc Pasteur - Điện Biên Phủ, đã không thể ra được do cửa bỗng nhiên chốt chặt lại và không tài nào lay chuyển. Vị khách này đã phải dùng sức phá vỡ cửa kính sau hơn nửa giờ cố gắng, cùng với sự trợ giúp của hai nhân viên bảo vệ trường học gần đó mới thoát ra được.
Bạch Hường
|