Giới đầu tư dấy lên những lo lắng mới cho sức khỏe ngành ngân hàng, khi chất lượng tín dụng có xu hướng giảm, tỷ lệ nợ khó đòi tăng cao. Wall Street khởi động tuần mới với sắc đỏ áp đảo trên cả 3 chỉ số, lệnh bán tháo liên tiếp đổ vào thị trường.
Chốt phiên, Dow Jones Industrial trượt 289,6 điểm tương ứng 3,6%, xuống 7.841,73 điểm. S&P 500 Index có phiên lao dốc mạnh kể từ ngày 2/3 với biên độ 4,3% giá trị, chốt tại 832,39 điểm. Nasdaq Composite rơi 64,86 điểm (3,88%), đóng cửa tại 1.608,21 điểm. Phiên này, cứ 20 mã cổ phiếu sụt giá mới có 1 mã tăng trên thị trường New York, tỷ lệ buồn nhất kể từ ngày 10/2.
Lợi nhuận kỳ vọng của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ theo giá trị tài sản Bank of America được CEO Kenneth Lewis công bố cùng ngày, đạt 4,24 tỷ USD, cổ tức 44 cent một cổ phiếu tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2008. Mức lợi nhuận ròng cao trong quý I được góp bởi 2 định chế tài chính khác là Merrill Lynch và Coutrywide Financial, sau khi ngân hàng này đã chi 30 tỷ đôla thâu tóm hồi năm ngoái.
|
Ngành ngân hàng vẫn chưa ổn định, khiến giới đầu tư bất an. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn quan ngại về bảng cân đối tài sản của các ngân hàng trong quý I vừa qua, tỷ lệ nợ xấu tăng cao và chất lượng tín dụng thấp. Bank of America đã phải nâng mức dự trữ với những khoản cho vay khó đòi lên 13,4 tỷ đôla, tăng 57% so với hồi tháng 12/2008 và gấp đôi so với cùng kỳ một năm trước đó. Giới đầu cơ bằng mọi giá đẩy Bank of America ra khỏi danh mục đầu tư ở mọi mức giá, chốt phiên mã BAC rớt giá thảm hại 24%, giao dịch tại 8,02 đôla.
Các cổ phiếu khác thuộc khối ngân hàng phiên này cùng chịu chung xu thế đi xuống. Chỉ số đánh giá 80 ngân hàng, hãng bảo hiểm và các định chế đầu tư lớn nhất nước Mỹ trên S&P trượt 11%, mức sụt giảm tồi tệ nhất kể từ ngày 20/1. Mã Citigroup tiếp tục trượt mạnh 19% sau khi đã mất 9% vào phiên cuối tuần trước. JP Morgan mất 11% giá trị. Hãng bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ AIG lao dốc với biên độ 20%, giao dịch 1,29 đôla, sau khi hãng đảm bảo cho Chính phủ nắm giữ 29,8 tỷ đôla giá trị tài sản tại tập đoàn này.
Chứng khoán châu Âu cũng rớt mạnh do giới đầu tư lo lắng tình hình sức khỏe ngành ngân hàng Mỹ. Chỉ số chứng khoán khu vực Stoxx 600 mất 7,03 điểm tương ứng 3,6% xuống 189,93 điểm. Tại London, chỉ số FTSE 100 hạ 2,5% chốt tại 3.990,86 điểm. Chứng khoán Đức và Pháp dẫn đầu đà tuột dốc toàn thị trường khi 2 chỉ chính là DAX 30 và CAC 40 rơi với biên độ trên 4%.
Chỉ số các ngân hàng khu vực Euro là DJ STOXX Banks Index giảm 5,5% phiên đầu tuần, giá cổ phiếu các ngân hàng từ Deutsche Bank của Đức hay Barclays của Anh cùng giảm từ 6,6% đến 8,6% giá trị.
Khởi đầu tuần mới, chứng khoán châu Á đón nhận luồng gió mát đến từ nền kinh tế Trung Quốc. Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA), Thủ tướng Ôn Gia Bảo đề cập đến tính hiệu quả của những gói kích cầu đã áp dụng, cũng như nỗ lực duy trì đà tăng trưởng 8% năm 2009. Chỉ số MSCI châu Á ghi thêm 0,2% số điểm lên 89,89 điểm. Phiên này, cứ 5 mã cổ phiếu tăng mới có 1 mã giảm. Đóng góp lớn vào đà tăng điểm của MSCI là chứng khoán Trung Quốc đại lục, khi chỉ số Shanghai Composite đóng cửa đã tăng 2,1%, lên 2.557,46 điểm.
Nhà cho vay tiêu dùng lớn thứ hai Nhật Bản JP Promise đã công bố lũy kế năm tài khóa 2008 tính đến 31/3 lỗ 1,3 tỷ đôla, lý giải cho việc này, trong 2008 tập đoàn đã phải tăng mạnh mức trích lập dự phòng rủi ro lãi suất, giá Promise ngay lập tức trượt 14% giá trị trên thị trường Tokyo. Chứng khoán Nhật được nâng đỡ chủ yếu bởi sức tăng đến từ khối ngành vật liệu xây dựng, chỉ số Nikkei 225 chốt phiên tại 8.924,75 điểm nhích 17,17 điểm tương ứng 0,2%.
Các thị trường khác của châu Á cùng chung xu thế đi lên, song đà tăng điểm thấp dưới 1%. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hong Kong và Kospi của Hàn Quốc tăng 1% và 0,56%.
Nguyễn Hùng (Theo Bloomberg, CNBC)
|