Trao đổi với báo chí về hiện tượng tăng giá đôla những ngày qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết đang soạn thảo một số văn bản chỉ đạo và phối hợp với các bộ ngành liên quan để có biện pháp xử lý thích hợp. > Thị trường ngoại tệ vẫn nóng / Ngân hàng khó mua đôla
- Theo Thống đốc, đâu là căn nguyên của cơn sốt trên thị trường ngoại tệ những ngày qua?
- Chính sách tỷ giá vẫn được điều hành linh hoạt, theo tín hiệu cung cầu thị trường. Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư ở Hong Kong hôm qua, Thủ tướng đã nhắc lại điều này. Quý I, chúng ta có nhiều thuận lợi, và đây là lần đầu tiên sau nhiều năm xuất siêu, với mức khá lớn - 1,65 tỷ USD.
Đúng là có hiện tượng găm giữ, làm giá trên thị trường vài ngày qua. Theo tôi có nhiều lý do, cũng có thể là tác động từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đánh giá khủng hoảng và thông tin về nó có nhiều ý kiến trái ngược nhau, tôi không bình luận gì về các ý kiến này. Nhưng những ý kiến như vậy đã phần nào ảnh hưởng tới thị trường.
|
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết từ nay tới cuối năm, tổng vốn dành cho gói kích cầu thứ hai (hỗ trợ 4% lãi suất vốn vay trung dài hạn) sẽ không vượt quá 70.000 tỷ đồng. Ảnh: PV |
Chúng ta cũng phải bắt nguồn từ câu chuyện khủng hoảng thế giới để có biện pháp xử lý đúng đắn. Vài ba hôm nữa, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản chỉ đạo và phối hợp với các bộ ngành hữu quan để xem xét vấn đề này, ví dụ như Bộ Công an, quản lý thị trường, ủy ban nhân dân địa phương. Trong hệ thống ngân hàng, nếu các đại lý, bàn thu đổi ngoại tệ nào không thực hiện đúng quy định, tôi sẽ buộc thu hồi ngay giấy phép, đồng thời giám đốc chi nhánh nơi cấp giấy phép đó cũng sẽ bị xem xét.
- Việc các tổ chức có nguồn thu ngoại tệ không muốn bán lại cho ngân hàng cũng góp phần khiến cung cầu căng thẳng hơn. Có ý kiến cho rằng nên tái áp dụng quy định kết hối, buộc các tổ chức bán lại cho ngân hàng theo một tỷ lệ nào đó. Ông nghĩ sao?
- Nhiều ngân hàng thương mại đã kiến nghị chuyện này. Nhưng quyền quyết định cuối cùng là của Thủ tướng, căn cứ theo quy định trong Pháp lệnh Quản lý Ngoại hối. Thực ra chúng ta từng áp dụng biện pháp kết hối ngoại hối vào những năm 1999-2001 và tôi thấy rất bình thường. Nay nếu thấy cần thiết phải áp dụng, Thủ tướng sẽ ra quyết định.
Các chính sách của Ngân hàng Trung ương mỗi khi thực thi đều phải công khai và công bố chuẩn xác.
Pháp lệnh Quản lý Ngoại hối
Điều 22. Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối
Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng cho phép.
Điều 41. Các biện pháp bảo đảm an toàn
Khi xét thấy cần thiết, để bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, Chính phủ được áp dụng các biện pháp sau đây:
1. Hạn chế việc mua, mang, chuyển, thanh toán đối với các giao dịch trên tài khoản vãng lai, tài khoản vốn;
2. Áp dụng các quy định về nghĩa vụ bán ngoại tệ của người cư trú là tổ chức;
3. Áp dụng các biện pháp kinh tế, tài chính, tiền tệ; | - Tỷ giá biến động mạnh, trong khi nhiều hàng hóa niêm yết bằng ngoại tệ gây thiệt hại cho người mua. Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
- Điều 22 của Pháp lệnh Quản lý Ngoại hối nghiêm cấm niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ trên thị trường Việt Nam. Trong trường hợp muốn niêm yết, phải được phép của Thủ tướng Chính phủ. Nếu anh vi phạm, khi bị cơ quan quản lý phát hiện sẽ bị xử lý theo pháp luật.
- Cán cân cung cầu ngoại tệ không chỉ nằm trong trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Khâu phối hợp với các bộ ngành liên quan thời gian qua được thực hiện như thế nào?
- Dĩ nhiên là chúng tôi có phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương. Bởi xét về tổng thể, các quốc gia đều coi cán cân thương mại là quan trọng nhất.
Trung Quốc sau 12 năm cải cách, từ năm 1978 cho tới 1990, họ xuất siêu từ đó đến giờ và có lượng ngoại tệ dự trữ tới 2.000 tỷ USD. Việt Nam 23 năm đổi mới, tới giờ này vẫn phải nhập siêu. Đây là điều khiến chúng ta suy nghĩ.
- Cá nhân ông đánh giá thế nào về hiệu quả của gói kích cầu lần thứ nhất, hỗ trợ 4% vốn vay ngắn hạn?
- Tôi đã tới 21 tỉnh tìm hiểu tình hình, trong đó có 4 tỉnh đi với Thủ tướng. Sắp tới sẽ có đánh giá sơ bộ hai tháng thực hiện. Quyết định kích cầu của Chính phủ là đúng đắn và kịp thời, phần lớn các ý kiến đều đánh giá như vậy, ngay cả những người từng lên tiếng phê phán.
Chính sách hỗ trợ lãi suất lần thứ nhất nhằm giảm giá thành, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm, vì thế có tác động mạnh mẽ. Trước Tết âm lịch, nhiều doanh nghiệp hoang mang. Chính phủ giao sau Tết phải triển khai chủ trương này, nhưng tôi và anh em Ngân hàng Nhà nước quyết tâm làm sớm, như một tín hiệu để doanh nghiệp và người dân thấy rõ ràng Chính phủ có hành động. Nếu không có chính sách này, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, công nhân mất việc.
- Thị trường chứng khoán tuần qua tăng nóng, nhiều người đặt câu hỏi dòng tiền ở đâu ra. Các chuyên gia kinh tế lo ngại có thể một phần tiền từ vốn kích cầu đổ vào. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng cần có sự kiểm soát từ Ngân hàng Nhà nước. Ông nói sao?
- Chứng khoán tăng nóng hay không tôi không bình luận. Tôi cũng cho rằng không nên thấy hiện tượng như vậy mà kết luận cho chỗ này hay chỗ kia. Riêng về cho vay chứng khoán, dư nợ trong ngân hàng vẫn nằm ở mức 6.900 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu năm.
Với gói kích cầu bù lãi suất của Chính phủ, ngân hàng cho vay nếu dự án khả thi và kiểm soát chặt trong quá trình giải ngân. Suy luận dòng tiền đổ vào chứng khoán nhiều do nguồn từ ngân hàng là không nên và không có cơ sở.
Song Linh
|