Tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp trẻ VN sáng 14/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp điều hành hợp lý và thiết thực hơn. Để hỗ trợ hoạt động sản xuất và an sinh xã hội, gói kích cầu sẽ không dừng lại ở 1 tỷ USD mà có thể lên đến 6 tỷ USD. > Gói kích cầu 1 tỷ USD
Phó Thủ tướng nói, tới đây Chính phủ tiếp tục áp dụng các biện pháp điều hành kinh tế hợp lý và thiết thực hơn. Trong đó, gói kích cầu sẽ không dừng lại ở 1 tỷ USD (17.000 tỷ đồng) mà tính toán để sau cuộc họp thường kỳ vào cuối tháng 12 này, sẽ công bố gói kích cầu nền kinh tế có thể lên tới 100.000 tỷ đồng (tương đương với khoảng 6 tỷ USD). Số tiền này được thu hút từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó có nguồn từ phát hành trái phiếu Chính phủ.
|
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại Đại hội Doanh nghiệp trẻ. Ảnh: Website Chính phủ. |
Phiên họp thứ 2 của Đại hội đại biểu các nhà doanh nghiệp trẻ lần thứ 3 diễn ra sáng 14/12 là buổi đối thoại thẳng thắn giữa 718 nhà doanh nghiệp trẻ với Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và lãnh đạo các bộ ngành. Nhiều doanh nhân trẻ bày tỏ nguyện vọng được tham gia vào quá trình xây dựng chính sách để giúp chính sách tiếp cận được đến từng doanh nghiệp, và phát huy hiệu quả.
Ông Cao Tiến Vị - Hội các doanh nghiệp trẻ TP HCM cho rằng thời gian qua, Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời nhưng chưa đủ mạnh, đủ nhanh để tác động vào kinh tế, trong khi đó doanh nghiệp trẻ chủ yếu là các công ty vừa và nhỏ thiếu vốn, yếu về năng lực. “Chính vì thế, chúng tôi cần những chính sách khẩn cấp về vốn, về thuế”, ông nói.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Trần Đình Hải - Lai Châu cũng cho rằng Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực hơn nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn và các chính sách ưu đãi khác. Trong đó, Chính phủ cần có chính sách bảo lãnh để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng nước ngoài.
Tại buổi đối thoại, hầu hết các doanh nghiệp đều bày tỏ quan điểm rằng trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, doanh nghiệp cùng sát cánh với Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn. Cuộc khủng hoảng kinh tế vừa là thách thức vừa là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại mình để tìm hướng đi phù hợp.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phú Thái - Phạm Đình Đoàn cho rằng Chính phủ và các bộ ngành giống như bác sĩ, cần phải bắt được bệnh của doanh nghiệp để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn.
“Chúng tôi rất yêu nước và mong muốn được đóng góp vào sự phát triển chung. Trước khó khăn hiện nay, mong rằng sẽ có nhiều hơn những hội nghị Diên Hồng, có nhiều cơ hội được đối thoại để cùng Chính phủ nhìn nhận thẳng thắn vào những khó khăn trước mắt. Chúng ta càng trì hoãn thì các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp trẻ sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội. Chúng tôi chỉ mong tiếng nói thẳng thắn của người trẻ chúng tôi được lắng nghe, ủng hộ”.
Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng chính sách của Chính phủ là bình đẳng với mọi thành phần kinh tế, không có sự phân biệt trong chính sách tín dụng, thuế khóa. Việt Nam đang quyết tâm xóa bỏ bằng được tâm lý kỳ thị với thành phần kinh tế tư nhân, vì đây là một thành phần cấu thành nền kinh tế VN.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng làm yên lòng các doanh nghiệp trẻ khi khẳng định vốn khả dụng hiện nay đang thừa. Ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất theo hướng hạ dần, giúp các doanh nghiệp vay vốn dễ dàng hơn nhưng với điều kiện doanh nghiệp phải hiệu quả để cả hai cùng sống. Chính phủ sẵn sàng bảo lãnh cho các dự án muốn mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Nếu hạn mức Dự án đầu tư là 1,5 đến 2 tỷ USD, Bộ Tài chính, Ngân hàng thương mại sẽ bảo lãnh. Với những dự án lớn hơn, phải xin phép Thủ tướng.
Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tín dụng cùng sự suy giảm kinh tế trên toàn cầu. Ở trong nước, từ tháng 6 đến nay, các ngành như nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, vận tải… có phát triển nhưng rất khó khăn. Đó là những thách thức lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực để vượt qua. "Trong thời điểm này, các doanh nghiệp trẻ cần có những hành động khẩn trương, kịp thời cùng Chính phủ giúp đất nước nhanh chóng thoát ra khỏi khó khăn trước mắt, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi đối thoại lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ giá hợp lý, chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt, tạo môi trường thuận lợi bình đẳng chung nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn. Trong đó ưu ái thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có vốn để tìm cách tháo gỡ những khó khăn hiện nay. "Chúng tôi sẽ thành lập 2 tổ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp ở Hà Nội và TP HCM. Hai tổ này sẽ phối hợp với Hiệp hội ngành nghề để phản ánh trực tiếp với chúng tôi những khó khăn thực tế mà doanh nghiệp gặp phải, từ đó chúng tôi tìm cách tháo gỡ”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.
Kỳ Duyên
|