Ngày 31/7, xếp những tập tài liệu cuối cùng vào hộp, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương trầm tư nhìn khắp căn phòng. Sau gần 20 năm gắn bó tại số 6 Dã Tượng, ông và 60 cán bộ cùng cơ quan sẽ chuyển về trụ sở mới ở Hà Đông. > Hà Nội mới có 9 sở, ngành làm việc tại Hà Đông
Sáng 31/7, gần chục nhân viên dịch vụ chuyển nhà đang hối hả xếp đầy hai chuyến xe tải chở tài liệu của Sở Tư pháp. Việc di chuyển đã tiến hành từ mấy hôm nay nhưng chị Nga (Phòng Tiếp dân) thở dài khi xe lăn bánh. "Sắp tới đi từ nhà đến cơ quan hơn 20 km, tôi chưa biết phải sắp xếp thời gian như thế nào đây. Lại còn khoản xăng xe nữa".
|
Với khối lượng tài liệu đồ sộ, Sở Tư pháp phải thuê dịch vụ chuyển nhà chuyên nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trong căn phòng làm việc chỉ còn bộ bàn ghế và tủ tài liệu trống rỗng, Phó giám đốc sở Phạm Xuân Phương bùi ngùi nhớ lại gần 20 năm công tác tại đây. Ông là người trông giữ kho tài liệu đồ sộ liên quan đến hộ tịch của người dân Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20. "Có lẽ phải dùng đến đơn vị tấn mới đo đếm được lượng tài liệu này", ông Phương nói vui.
Theo ông Phương, hàng chục năm nay, người dân thủ đô đã quen với địa chỉ gần như là "thương hiệu" của sở tại số 6 Dã Tượng (quận Hoàn Kiếm). Thậm chí, nhiều gia đình gần đó gắn bó với cán bộ Sở Tư pháp đến nỗi gọi họ là "ông trẻ, bà trẻ" thay cho những đứa cháu mới ra đời.
Với trụ sở mới rộng rãi, khang trang hơn hiện nay, Sở Tư pháp sẽ có điều kiện làm việc tốt hơn, song với lãnh đạo sở, nỗi lo lại dành nhiều cho cán bộ của mình. Do đặc thù công việc, 70% cán bộ sở là nữ, nhiều người đang mang bầu hoặc có con nhỏ. Với khoảng 20 người có nhà cách trụ sở mới ở Hà Đông hàng chục km, việc đi lại sẽ gặp khó khăn. "Chúng tôi cũng đang tính đến phương án thuê xe đưa đón cán bộ tại một vài địa điểm", ông Phương nói.
|
Phó giám đốc Sở Tư pháp Phạm Xuân Phương đang thu dọn những vật dụng cuối cùng trong phòng làm việc. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới tiếp quản trụ sở trên đường Cầu Giấy được nửa năm. Thang máy vừa chạy được một tháng và tòa nhà thơm mùi sơn. Theo một nhân viên, chỉ trong 3 năm, sở đã phải dời trụ sở đến 3 lần.
Chị Trần Thị Hà (phòng Chăn nuôi), cho biết, nhà ở tận thị trấn Sóc Sơn, mỗi ngày chị chỉ có vài giờ bên đứa con chưa đầy năm. "Với mức lương công chức, tôi chỉ có thể bắt xe bus đi làm. Sắp tới, khi quãng đường tới cơ quan kéo dài tới 40 km, tôi sẽ phải đi làm sớm thêm 30 phút, từ 6h sáng, và bắt 3 tuyến mới đến được cơ quan", chị Hà nói.
|
Dán biển phòng tiếp dân của Sở Công Thương tại trụ sở Sở Nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Theo bà Bùi Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Hành chính, Sở Nông nghiệp vẫn chưa thực hiện di chuyển do địa điểm thay thế tại Sở Tài chính Hà Tây chưa bàn giao. Việc chuyển trụ sở đã gây xáo trộn khá lớn trong đội ngũ cán bộ. Hàng chục nhân viên của sở có nhà ở các huyện ngoại thành (cách trụ sở mới 20-40 km) đang đau đầu với bài toán "đường đi làm".
"Tôi vừa nhận được đơn xin chuyển công tác của một phó phòng vì không thể sắp xếp được giữa công việc và gia đình khi chuyển về địa điểm mới. Nếu người này dứt khoát, chúng tôi cũng đành phải đồng ý", bà Vân cho biết.
Theo quyết định của thành phố Hà Nội, để hạn chế gia tăng mật độ giao thông, sau khi điều chỉnh địa giới, có 9 cơ quan nhà nước của Hà Nội mới được bố trí tại thành phố Hà Đông. Đây là các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan có hoạt động gần với nông nghiệp như Sở Nông nghiệp, Sở Tư pháp, Thanh tra Nhà nước...
Nguyễn Hưng
|