Lãnh đạo của hơn 100 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã tề tựu đông đủ tại Hà Nội hôm qua để trao đổi cùng Chính phủ về các giải pháp chống suy giảm kinh tế, đặc biệt là cách thức sử dụng gói kích cầu sao cho hiệu quả. Đây được coi "Hội nghị Diên Hồng" có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Thủ tướng cùng 3 phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành đã tham gia đối thoại cùng doanh nghiệp. Không chỉ phát biểu tại hội nghị, từng tập đoàn, tổng công ty đều chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động của riêng mình và hiến kế thực hiện các giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Khởi đầu cuộc gặp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết gói kích cầu một tỷ USD được coi như khoản “mồi”, vì trong quá trình vực dậy nền kinh tế, cần phải huy động các nguồn vốn của toàn xã hội. Thực tế tại nhiều quốc gia, nguồn kinh phí từ xã hội chiếm tới hai phần ba tổng gói kích cầu. Theo ông, năm 2009 VN sẽ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ lớn, gồm các biện pháp kích cầu đầu tư; chính sách tiền tệ và bảo đảm an sinh xã hội và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn FDI và ODA. Hàng loạt các chính sách về giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, điều chỉnh thuế suất xuất khẩu... cũng sẽ được triển khai trong năm 2009, trong đó bổ sung dự trữ quốc gia về lương thực; trợ cấp khó khăn cho người hưởng lương có đời sống khó khăn...
VN đang phải đối mặt với suy giảm kinh tế nên những tháng cuối năm Chính phủ đã chuyển mục tiêu từ ưu tiên kiềm chế lạm phát sang tiếp tục kiềm chế lạm phát và ưu tiên chống suy giảm. Song các tháng cuối năm, chỉ số giá vẫn giảm liên tục. "Số liệu chúng tôi cập nhật gần đây nhất tại một số địa phương chỉ số giá tháng 12 không tăng hơn tháng 11. Cả năm 2008, chỉ số giá sẽ vào khoảng 21%”, ông nói.
Đóng góp 26% cho ngân sách Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) được chọn là đơn vị đầu tiên được bày tỏ nguyện vọng với các thành viên trong Chính phủ. Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN Đinh La Thăng - cho rằng trong thời kỳ khó khăn của nền kinh tế cũng có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế tài chính lớn tái cơ cấu lại lĩnh vực kinh doanh một cách hợp lý, tổ chức sắp xếp và ổn định lại doanh nghiệp đón đầu cho thời kỳ phục hồi kinh tế dự kiến sau năm 2009.
Theo ông, suy thoái kinh tế thế giới là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư xây dựng với chi phí đầu vào thấp và kịp đưa công trình đi vào hoạt động đúng thời điểm khi kinh tế hồi phục lại. Suy giảm kinh tế sẽ kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng, song lại tạo cơ hội cho PVN thu hút nguồn lao động có chất lượng cao vào làm việc trong tập đoàn…
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh Reuteurs. |
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo hầu hết các doanh nghiệp thừa nhận thời gian qua, sự phối hợp giữa các "anh cả đỏ" còn lỏng lẻo. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các bộ, ngành, địa phương cũng hời hợt. "Vì thế, có những việc doanh nghiệp có thể tự giải quyết nếu ngồi lại được với nhau, nhưng cuối cùng vẫn phải đẩy lên tận Chính phủ", ông Đinh La Thăng thẳng thắn.
Ông Phạm Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam cũng cho rằng yếu kém của doanh nghiệp VN là kết quả của sự không đoàn kết, mà trong khó khăn, càng liên kết mạnh, càng dễ thắng, càng đi lẻ, càng dễ thua. “Tôi cho rằng, trong bối cảnh tự các doanh nghiệp ngồi lại, liên kết với nhau vẫn khó khăn thì phải có một "bàn tay" chỉ đạo chung, đưa doanh nghiệp lại cùng nhau thì sẽ có hiệu quả ngay", ông nói.
Tổng giám đốc, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) - Mai Văn Phúc cũng cho rằng nhìn ở một góc độ lạc quan, rõ ràng khó khăn chung của kinh tế toàn cầu lại là cơ hội của mỗi quốc gia và của từng doanh nghiệp, nếu VN biết nắm bắt cơ hội. Hiện giá dầu trên thế giới rất rẻ, nếu các doanh nghiệp hàng hải mua được tàu lúc này thì sẽ là cơ hội để xây dựng một độ tàu hiện đại với chi phí thấp, là cơ hội phát triển lớn sau khi kinh tế phục hồi. Giá nguyên vật liệu rẻ cũng là điều kiện tuyệt vời để thúc đẩy các dự án cảng biển.
Một số đại diện doanh nghiệp khác cũng sẵn sàng bộc bạch cách mà họ đang nắm lấy thời cơ trong khó khăn, và các cơ hội đó đang trong tầm tay hoặc sẽ trở thành hiện thực nếu được hỗ trợ về vốn và cơ chế.
Liên quan đến khoản đầu tư 1 tỷ đôla của Chính phủ, lão đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đều có chung quan điểm: Gói kích cầu phải được thực hiện nhanh thì mới phát huy được tác dụng và phải được đầu tư đúng trọng điểm thì mới có hiệu quả cao.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Trần Bắc Hà cho rằng Chính phủ nên thành lập hẳn quỹ kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Từ đó, Chính phủ nên định hướng một cách định tính là ưu tiên cho lĩnh vực nào, trên cơ sở đó, các tổ chức, bộ ngành sẽ định lượng các dự án cụ thể. Nguồn vốn của quỹ này từ dự trữ ngoại tệ, phát hành trái phiếu, các ngân hàng thương mại tham gia ủy thác. Chỉ nên bố trí ưu tiên cho 15-20 dự án cụ thể, ưu tiên cho doanh nghiệp cụ thể chứ không nên dàn trải. Quy mô trong giai đoạn đầu 2009 - 2010 của quỹ khoảng 1 tỷ USD (tương đương 17.000 tỷ đồng) và sẽ được bổ sung dần qua các năm trong quá trình hoạt động.
Theo ông Hà, các lĩnh vực ưu tiên của chương trình kích cầu đầu tư, tiêu dùng thuộc lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng, cầu, đường, sân bay, năng lượng, khai thác khoáng sản, thủy điện, nhiệt điện lớn, hệ thống truyền tải điện. Đồng thời đầu tư cho các dự án trọng điểm quốc gia sẽ hoàn thành trong năm 2009-2010, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp tạo nguồn cung giá rẻ cho thị trường kích thích nhu cầu tiêu dùng cũng như các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn...
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Lê Quốc Ân cũng cho rằng, gói kích cầu của Chính phủ phải được thực hiện ngay để có hiệu quả ngay từ năm 2009, bởi VN đang tập trung chặn đà giảm phát của năm nên nếu xa quá sẽ không phát huy tác dụng. VN nên tập trung vào các dự án có khả năng thực hiện ngay, chẳng hạn như ngành dệt may sẽ tập trung vào các dự án sản xuất vải, may mặc quần áo cao cấp…
Ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam nhấn mạnh gói kích cầu của Chính phủ cần phải được làm nhanh, chứ đợi sửa luật đến tháng 6/2009 thì lâu quá. Chính phủ cũng cần sớm có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Nghị quyết trung ương 6 về phát triển nhà ở thì gói kích cầu mới phát triển được.
Tổng giám đốc Tổng công ty Thép VN - Đậu Văn Hùng đề xuất gói kích cầu nên tập trung cho thị trường nội địa. Nếu gói giải pháp kích cầu mà không bảo vệ được thị trường nội địa thì thực ra là kích cầu hàng ngoại. Trong gói giải pháp của Chính phủ, đã rõ việc kích cầu đầu tư, còn kích cầu tiêu dùng thì chưa rõ. "Theo tôi, nên ưu tiên kích cầu cho phát triển nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội, từ đó sẽ tạo ra lượng tiêu thụ vật liệu lớn", ông nói.
Kế sách của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty được các thành viên trong Chính phủ lắng nghe một cách chăm chú. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng ngoài gói kích cầu 1 tỷ đôla, Chính phủ còn thực hiện 5 giải pháp chính. Trong đó có khoản tạm ứng khoảng 20.000 tỷ đồng của năm ngoái; 20.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ phát hành thêm để thi công các công trình lớn. Ngoài ra, Chính phủ sẽ dành khoảng 20.000 tỷ đồng để giảm, giãn hoãn thuế, 20.000 tỷ đồng dùng dự trữ nhà nước... "Đây chính là tổng thể gói kích cầu, vấn đề là chúng ta phải làm ngay để sớm có tác dụng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ông dự báo năm 2009, tình hình kinh tế sẽ khó khăn hơn, vì vậy khối doanh nghiệp này phải chung sức cùng cả nước thực hiện 5 nhóm giải pháp cấp bách, đó là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; kích cầu đầu tư và tiêu dùng; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt; bảo đảm an sinh xã hội và quyết liệt và kịp thời trong tổ chức thực hiện.
Thủ tướng cho biết, trong 5 nhóm giải pháp này, chủ trương của Chính phủ là nới lỏng chính sách tiền tệ hợp lý để khuyến khích đầu tư, đồng thời hỗ trợ 1 tỷ USD nhằm kích cầu đầu tư cho năm 2009. Bên cạnh đó, rà soát lại thể chế chính sách để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội hoạt động hiệu quả, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%.
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, gói giải pháp kích cầu không chỉ là chuyện chi 1 tỷ USD mà còn là các giải pháp đồng bộ khác về cơ chế, về chính sách giảm thuế, giãn nợ.
Thời kỳ lạm phát trước đây, Chính phủ đã có những điều hành linh hoạt về thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư công. Nay đối mặt với suy giảm kinh tế, Chính phủ lại linh hoạt điều hành theo tình hình, lần này là nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất ngân hàng, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng; kiểm soát cơ chế để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển.
“Chỉ tha thiết mong các doanh nghiệp phải quyết liệt thực hiện, cùng chung lưng đấu cật, chủ động phối hợp ngay trong nội bộ từng doanh nghiệp, đoàn kết một lòng cùng nhau tháo gỡ, vượt qua khó khăn chung, giữ vững ổn định kinh tế và an sinh xã hội, tất cả vì dân, vì nước", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trải lòng.
|