EngLish l Vietnamese
TIN TỨC TỔNG HỢP
KINH DOANH
 

Vẫn cầm điện thoại trong tay và thực hiện các cuộc gọi và nhắn tin bình thường, chỉ có điều sim lại thuộc quyền sở hữu của người khác. Nhiều khách hàng dùng sim đẹp đang thấp thỏm nỗi lo mất số.

7h sáng, điện thoại của chị Hương ở Hà Nội đổ chuông. Vừa nhấc máy đã nghe tiếng một người đàn ông yêu cầu trả ngay số điện thoại mà chị đang dùng. "Người đàn ông này quả quyết số điện thoại tứ quý 3 mà tôi đang dùng thuộc quyền sở hữu của anh ta và yêu cầu tôi trả lại", chị Hương kể.

Người này nói từng sở hữu số điện thoại 094xxx3333 và nếu chẳng may chị Hương nhặt được thì cho anh ta xin lại. Nếu chị cứ kiên quyết không trả, anh ta sẽ làm ầm lên thậm chí là khiếu kiện với nhà cung cấp. "Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, số điện thoại kia tôi đã bỏ gần 10 triệu đồng để mua và sử dụng được hơn một năm nay. Vậy mà người đàn ông kia đổ cho tôi lấy cắp của anh ta", chị Hương bức xúc nói.

Xài sim điện thoại số đẹp dễ mất cắp như chơi. Ảnh: H.A.

Chị Hương điện thoại đến tổng đài chăm sóc khách hàng của VinaPhone thì được biết chiếc sim điện thoại mà chị đang dùng do một người khác đứng tên. Và nếu không muốn bị "mất cắp" chị phải ra đại lý của hãng để khai báo thông tin cá nhân. Nhân viên tổng đài khuyên chị nên sử dụng dịch vụ trả sau vì với số điện thoại đẹp chẳng may chị đi công tác, tắt máy nhiều ngày hoặc quên không nạp tiền vào tài khoản cũng có nguy cơ bị mất sim hoặc bị xóa khỏi hệ thống.

Thấp thỏm không yên, sáng nay chị Hương phải ra tận bưu điện Hà Nội, đánh vật với hơn 11 loại giấy tờ và mất gần 2 giờ đồng hồ, chị đã chuyển được hình thức sử dụng dịch vụ từ trả trước sang trả sau. "Giờ tôi mới thở phào và tạm yên tâm sim điện thoại vẫn là của mình", chị Hương nói với VnExpress.net.

Anh Hoàng, chủ một doanh nghiệp vận tải mới đây còn gặp tình cảnh oái oăm hơn. Sau 2 tuần đi công tác về, số máy điện thoại trả trước tứ quý 6 bỗng nhiên "tịt ngóm". Sau 2 ngày mất liên lạc không rõ lý do, bỗng sim "tứ lộc" của anh được sang tên cho người khác. "Người này thậm chí còn khẳng định chính tôi đã bán sim này cho anh ta với giá 15 triệu đồng", anh Hoàng kể.

Sau gần 2 tuần khiếu nại và được sự hỗ trợ của nhà cung cấp dịch vụ, ông Hoàng lấy lại được số điện thoại của mình từ tay "lò buôn sim số đẹp".

Cách đây vài tuần, VnExpress.net cũng nhận được thư phản ánh của một độc giả ở Bình Dương phản ánh chuyện anh ký hợp đồng hòa mạng hai số sim nhưng không thể sử dụng được dịch vụ. Khi anh thực hiện cuộc gọi thì nhận được thông báo: "số máy này không có thực". Một khách hàng khác cũng phản ánh chuyện thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại từ số máy khác yêu cầu phải trả lại sim điện thoại mà họ đã dùng bấy lâu nay.

Trao đổi với VnExpress.net cả 3 nhà khai thác di động gồm VinaPhone, MobiFone và Viettel đều thừa nhận có những tranh chấp xảy ra đối với một số sim điện thoại đẹp trong quá trình triển khai quy định về quản lý thuê bao trả trước. Tình trạng mất cắp số đẹp bắt đầu rộ lên từ tháng 5 và đang làm đau đầu không chỉ khách hàng mà cả nhà cung cấp dịch vụ.

Theo các nhà khai thác, trước đây khi chưa có quy định về quản lý thuê bao trả trước, khách hàng chỉ cần mua thẻ sim điện thoại ở bất kể cửa hàng đại lý nào là có thể sử dụng dịch vụ. Chính vì thế, rất nhiều thuê bao điện thoại đang hoạt động trên hệ thống chưa thuộc sở hữu của ai hoặc được mua đi bán lại mà không đăng ký thông tin cá nhân nên chuyện "râu ông nọ cắm cằm bà kia" vẫn thường xảy ra. "Đây chính là kẽ hở để giới săn số sử dụng cách này hay cách khác để đánh cắp sim điện thoại đẹp của khách hàng", đại diện một doanh nghiệp nói.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến nhiều khách hàng bị mất cắp số điện thoại là do thủ tục thay sim số của các mạng di động quá đơn giản. Khách hàng chỉ cần liệt kê các số thường gọi, thời gian nạp tiền, thời hạn sử dụng... là có thể chuyển đổi hình thức sử dụng và làm lại thẻ sim. Đây chính là kẽ hở để giới săn số tung chiêu đánh cắp sim điện thoại đẹp.

Chiêu phổ biến nhất là dùng sim khác nháy máy, nhắn tin để chủ thuê bao gọi lại, bằng nhiều lần như thế, họ đã có một danh sách của các số gọi đi mà chủ thuê bao thỉnh thoảng gọi. Hoặc có những chiêu cao tay hơn, một số cá nhân sẵn sàng “bắn” tiền vào tài khoản cho thuê bao trả trước mà họ muốn "hack". Sau vài lần “bắn” tiền, người này đã có trong tay lịch sử nạp thẻ của thuê bao. "Và với những thông tin như trên, họ đã dễ dàng “qua mặt” các giao dịch viên non tay của nhà mạng để thay sim, và ung dung với sim đẹp", đại diện truyền thông của MobiFone nói.

Ông Hoàng Sơn - Giám đốc Viettel Telecom cho rằng còn nhiều thuê bao trả trước dè dặt với chuyện khai báo thông tin cá nhân dù hãng đã tìm đủ cách thuyết phục. Chính vì thế mà khi tranh chấp sim số xảy ra cả khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ đều phải rất vất vả mới trả được sim điện thoại về đúng chủ.

Trong khi đó, để hạn chế sự lãng phí kho số, từ ngày 1/7, các doanh nghiệp đồng loạt áp dụng quy định về thời gian lưu giữ số trên hệ thống trong vòng 30 ngày, thay vì 90-180 ngày như trước đây. Theo đó, các thuê bao trả trước khóa 2 chiều sẽ bị xóa khỏi hệ thống nếu trong vòng 30 ngày khách hàng không nạp tiền vào tài khoản. Các doanh nghiệp nhận định việc rút ngắn thời gian giữ số với các thuê bao trả trước có thể là sẽ là nguyên nhân phát sinh những tranh chấp về số điện thoại trong thời gian tới.

Hồng Anh

Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần máy tính và truyền thông Việt Nam
Địa chỉ: 18 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện Thoại: 844 7715126 - 844 8 344665, Fax 844 8343466