Những phi hành gia từng đặt chân lên mặt trăng không nhận được sự hỗ trợ cần thiết để bước vào cuộc sống mới sau khi hoàn thành sứ mệnh lớn lao, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thừa nhận. > Hành trình chinh phục mặt trăng Là người hùng của nước Mỹ sau chuyến bay lên mặt trăng, nhưng phi hành gia Buzz Aldrin phải chia tay người vợ đã sống với ông 21 năm ngay sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Trước khi tàu Apollo 11 cất cánh, mẹ của ông đã tự sát vì sự nổi tiếng của con trai. Ảnh: NASA.
Ngày 16/7/1969, tàu Apollo 11 rời bệ phóng để bay về phía mặt trăng cùng với 3 nhà du hành Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins. 4 ngày sau đó Armstrong và Aldrin đặt chân lên bề mặt "chị Hằng", mở ra kỷ nguyên mới trong nỗ lực chinh phục vũ trụ của loài người.
NASA liên tục đưa lên truyền hình cảnh tượng ba nhà du hành Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins chuẩn bị tập luyện để chinh phục mặt trăng. Nhưng việc này không diễn ra sau khi họ trở về trái đất.
Tiến sĩ J D Polk, lãnh đạo bộ phận y tế của NASA, cho biết, lẽ ra ba phi hành gia và thân nhân của họ phải được trợ giúp về tâm lý sau khi sứ mệnh thám hiểm mặt trăng kết thúc vào ngày 24/7/1969.
“Tôi không biết chắc NASA đã làm gì vào thời gian ấy, nhưng rõ ràng người ta không quan tâm tới các phi hành gia như bây giờ”, Polk nói.
“Những phi hành gia ấy từng làm việc chăm chỉ và nghiêm túc với lòng nhiệt tình cao độ. Họ háo hức được lên mặt trăng và chờ đợi rất lâu trước khi bước lên tàu Apollo 11. Vì thế, sau khi hoàn thành sứ mệnh vĩ đại, họ không thể tránh khỏi cảm giác hụt hẫng. Chẳng có thứ gì có thể giúp họ lấy lại động lực làm việc như trước nữa”, Palinkas giải thích. Cựu phi hành gia Buzz Aldrin (giữa) nói chuyện trong lễ kỷ niệm 40 năm loài người đặt chân lên mặt trăng tại trụ sở chính của NASA tại Washington vào ngày 20/7/2009. Ảnh: Reuters.
Buzz Aldrin, người thứ hai bước ra khỏi khoang đổ bộ Eagle để đặt chân lên mặt trăng vào ngày 20/7/1969, đã có những biểu hiện tâm lý tiêu cực do chuyến bay trong không gian sau khi tàu Apollo trở về trái đất. Mẹ của ông đã tự sát vài tuần trước khi tàu cất cánh do không chịu nổi áp lực mà sự nổi tiếng của con trai tạo ra.
Sau khi trở về, ba phi hành gia bị cách ly ba tuần để đảm bảo rằng họ không mang theo bất kỳ tác nhân gây bệnh nào từ mặt trăng. Trong khoảng thời gian ấy Aldrin uống rất nhiều rượu. Đó là sự khởi đầu cho giai đoạn trầm uất và nghiện rượu của Aldrin. Ông chìm đắm trong men rượu và khủng hoảng tâm lý suốt 9 năm.
Cuộc hôn nhân thứ hai của Aldrin chấm dứt ngay sau khi ông trở về, dù ông và vợ đã sống với nhau 21 năm. Cuộc hôn nhân thứ ba cũng tan vỡ sau hai năm.
Trong cuốn hồi ký mang tên Magnificent Desolation mới phát hành, Aldrin viết: “Sự chuyển đổi từ giai đoạn chuẩn bị thực hiện một sứ mệnh lớn lao sang giai đoạn sau đó là việc không dễ dàng đối với tôi. Một người bình thường có thể làm gì để đối mặt với khoảng trống tâm lý ghê gớm ấy?”.
Nhiều phi hành gia khác cũng thừa nhận họ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sau khi đặt chân lên mặt trăng.
Dave Scott, chỉ huy tàu Apollo 15, kể: “Tôi nhớ rằng khi tôi trở lại thành phố Houston sau chuyến bay lên mặt trăng, những người hàng xóm đưa một chân cừu nướng cho tôi. Nhưng khi ấy tôi chẳng biết mình đang ở đâu và làm gì”.
Ken Mattingly, một thành viên khác trong phi hành đoàn của tàu Apollo 15, nói: “Những người từng trải qua chiến tranh thường có trải nghiệm giống hệt nhau. Họ phải tuân theo hàng loạt quy tắc khi ở chiến trường và trở về nhà với cảm giác trống rỗng, khủng hoảng tâm lý. Những người từng thực hiện những chuyến bay vào vũ trụ cũng vậy. Khi bước vào tàu vũ trụ họ là những người hùng, còn khi bước ra khỏi đó thì họ rơi vào một thế giới hoàn toàn khác”.
Minh Long (theo Time)
|