EngLish l Vietnamese
TIN TỨC TỔNG HỢP
KINH DOANH> CHỨNG KHOÁN
 

Trong bối cảnh doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, việc Vietcombank, Vietinbank và Bảo Việt cùng lên kế hoạch chào sàn trong năm trở thành sự kiện được trông đợi.
> 56 triệu cổ phần Vietinbank sắp chào sàn

Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải tỏ ra hài lòng trước thông tin bộ 3 tài chính cùng dự tính lên sàn trong năm nay. Kế hoạch niêm yết của Vietcombank, Vietinbank và Bảo Việt được ông đánh giá là dấu hiệu tốt, bởi thị trường đang rất thiếu những doanh nghiệp niêm yết lớn và có chất lượng quản trị cao.

Trước đó, VAFI đã nhiều lần gửi văn bản khuyến nghị sớm niêm yết top 5 doanh nghiệp có vốn hóa trên dưới 1 tỷ USD, gồm Vietcombank, Vietinbank, Habeco, Sabeco và Mobifone.

Hiện Ngân hàng Á Châu (ACB) vẫn đứng đầu thị trường về mức vốn hóa, với 26.400 tỷ đồng. Song khi Vietcombank chào sàn, vị trí này sẽ thay đổi. Vốn điều lệ của Vietcombank hiện là 12.100 tỷ đồng, gấp đôi của ACB.

Thông tin về kế hoạch lên sàn của 3 đại gia cũng nhận được phản ứng tích cực của giới đầu tư. Ông Trần Tiến Dũng, một nhà đầu tư tại sàn SBS, rất kỳ vọng vào các kế hoạch niêm yết. "Trên sàn hiện nay không có nhiều cổ phiếu hấp dẫn để nhà đầu tư lựa chọn, nên có thêm hàng hóa là việc đáng mừng", ông Dũng nói. Thêm hàng cũng là cơ hội để nhà đầu tư sàng lọc cổ phiếu tốt.

Kế hoạch niêm yết của 2 ngân hàng và tập đoàn Bảo Việt nhận được phản ứng tích cực của giới đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà

Khi Vietcombank, Vietinbank và Bảo Việt lên sàn, quy mô thị trường được mở rộng, giao dịch sẽ sôi động hơn, ông Dũng nhận định. Mặt khác, trước nay nhà đầu tư nước ngoài hình dung Việt Nam là một thị trường nhỏ, với rất ít doanh nghiệp vốn hóa lớn và phù hợp để đầu tư. Vì thế, có thêm những doanh nghiệp lớn, sự lựa chọn và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại sẽ tăng lên.

Hiện các đơn vị này chưa bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nên có thể rộng cửa cho khối ngoại. Mức "room" tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng hiện nay vẫn là 30%.

Vào đầu tháng 4 vừa qua, Vietcombank đã được HOSE chấp thuận về nguyên tắc niêm yết cổ phiếu. Vốn điều lệ của nhà băng là 12.100 tỷ đồng, tương đương 81% kế hoạch được Chính phủ phê duyệt. Ngân hàng này thông báo sẽ lên sàn trong năm nay, song chưa cho biết chính xác thời điểm chào sàn.

Trong khi đó, Vietinbank, dù thực hiện IPO chậm hơn một năm, đã sớm thông báo sẽ đưa kế hoạch niêm yết 6% vốn điều lệ ra xin ý kiến đại hội đồng cổ trong cuộc họp vào đầu tháng 6 này. Bảo Việt cũng đã nộp hồ sơ xin niêm yết toàn bộ 56 triệu cổ phần tại HOSE.

Với mức vốn lớn, Vietcombank thu hút sự chú ý hơn cả, bởi sẽ có tác động đến giao dịch toàn thị trường. Giá chào sàn của VCB có thể được coi là "tham chiếu" cho các cổ phiếu ngân hàng. "Trong trường hợp VCB giao dịch tốt sau khi niêm yết, các cổ phiếu ngân hàng khác cũng có cơ hội tăng theo", nhà đầu tư Dũng nhận định.

Song theo ông, giao dịch của VCB khi chào sàn vẫn là một ẩn số, bởi còn bị chi phối bởi sự hào hứng của nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, nhà đầu tư này nhận định, các chỉ số tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) hay trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Vietcombank lẽ ra có thể cao hơn. Ngân hàng này hiện có lợi thế về thương hiệu, thị phần trong mảng dịch vụ thẻ và kinh doanh ngoại hối.

Song việc Vietcombank xin phát hành thêm 112 triệu cổ phiếu dành cho cổ đông hiện hữu để 12.100 tỷ đồng hiện nay lên 13.223 tỷ đồng không nhận được phản ứng tích cực. Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Phân tích và Nghiên cứu (Công ty Quản lý quỹ SHF) cho rằng, việc này sẽ tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp khác. "Bảo Việt, hay sau này nếu xảy ra với Mobifone, Viettel, thì họ cũng sẽ nghĩ tới phương án như Vietcombank đã làm", ông Minh bình luận. Trong cách nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, đây có thể là một cách làm không mang tính thị trường.

Trong khi đó, theo ông Ngô Văn Minh, dù các chỉ số tài chính chưa phải "đẹp" nhất trong hệ thống ngân hàng, Vietinbank lại tạo được ấn tượng với giới đầu tư về ban lãnh đạo tự tin. Trong thời điểm nhiều giá trị của ngành tài chính bị ảnh hưởng, thì bộ máy lãnh đạo tốt là điều nhà đầu tư đánh giá cao và đặt kỳ vọng.

Tổng thư ký VAFI Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, ở thời điểm hiện nay, việc đưa các cổ phiếu đại gia lên niêm yết đã khả thi và đảm bảo thanh khoản. "Vấn đề còn lại là làm sao xác định chiến lược hoạt động lâu dài cho doanh nghiệp, chứ không phải chỉ là tập trung bán cổ phần", ông Hải bình luận.

Ngọc Châu

Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần máy tính và truyền thông Việt Nam
Địa chỉ: 18 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện Thoại: 844 7715126 - 844 8 344665, Fax 844 8343466