Các nhà khoa học Anh đang phát triển một loại chip "thần giao cách cảm" có khả năng giúp con người sử dụng ý nghĩ để điều khiển máy tính, tivi và công tắc điện.
Loại chip nói trên là phát minh của Jon Spratley, một tiến sĩ 28 tuổi tại thành phố Stevenage, Anh. Hiện tại anh đang làm việc cho công ty 42 Technology.
Phát minh của tiến sĩ Spratley là một cảm biến nhỏ đến nỗi người ta có thể đưa nó vào não bằng kim. Sau khi nằm trên bề mặt của não nó sẽ thu nhận tín hiệu điện từ các tế bào thần kinh và truyền chúng tới một thiết bị thu sóng được gắn với máy tính. Tín hiệu thần kinh sẽ điều khiển một con trỏ trên màn hình máy tính để vận hành các thiết bị điện tử hoặc điều khiển xe lăn điện.
“Chip của chúng tôi cho phép người tàn tật điều khiển máy tính bằng ý nghĩ. Chẳng hạn, nếu họ tưởng tượng rằng các cơ bắp của họ đang chuyển động thì suy nghĩ đó sẽ bật công tắc bóng đèn. Lĩnh vực này được nhiều nhà khoa học tại Mỹ nghiên cứu, song từ trước tới nay họ chỉ sử dụng các cảm biến có dây. Chip của chúng tôi sử dụng công nghệ truyền tín hiệu không dây nên có thể loại trừ nguy cơ lây nhiễm bệnh. Mục đích cuối cùng của tôi là giúp những người tàn tật hoặc bại liệt giao tiếp với nhau bằng chip này”, Spratley nói với Daily Mail.
Theo Spratley, thiết bị phát sóng trên đầu người sử dụng sẽ điều khiển máy tính thông qua 7 mệnh lệnh. Sau đó máy tính có thể điều khiển các thiết bị điện tử và xe lăn điện.
Daily Mail cho biết, Spratley và các cộng sự chưa thử nghiệm chip trên người hay động vật sống. Tuy nhiên, các thử nghiệm trên những lát cắt của não động vật cho kết quả tốt đẹp. Hiện tại nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm tài trợ để có thể thử nghiệm trên cơ thể người.
Đầu năm nay các nhà khoa học Nhật Bản đã công bố một loại xe lăn có khả năng hoạt động nhờ sóng não. Người sử dụng đội một mũ gắn các điện cực để theo dõi hoạt động não. Một nhóm chuyên gia khác của Nhật cũng chế tạo thành công cánh tay máy được điều khiển bằng ý nghĩ. Trong các cuộc thử nghiệm, các con khỉ đã điều khiển cánh tay máy đưa thức ăn vào mồm chúng.
Minh Long
|