Đến với thành phố Thâm Quyến, một ví dụ tiêu biểu giữa bạt ngàn mobile ở đây là những người bán hàng giơ lên sản phẩm trông y hệt iPhone của Apple, nhưng kèm theo cái nháy mắt là lời quảng cáo: đây là Hi-Phone.
Tại đây không thiếu bất cứ thương hiệu di động lớn nào trên thế giới, như Nokia, Motorola, Samsung... Sản phẩm hoặc là hàng giả hoặc là bắt chước giống hệt nhưng có nhãn hiệu khác. "5 năm trước, hoàn toàn không có điện thoải giả ở đây", Xiong Ting, người quản lý ở Triquint Semiconductor, một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện thoại, nói. "Khi đó bạn cần phải có nhà xưởng, nhiều lập trình viên và một mẫu thiết kế phần cứng. Nhưng hiện nay, chỉ một công ty với 5 nhân viên cũng có thể làm được điện thoại. Vì trong phạm vi 150 km quanh đây, bạn có thể kiếm đủ loại linh kiện để lắp nên một mặt hàng cho riêng mình".
|
Một chiếc điện thoại nhái nhãn hiệu nổi tiếng Louis Vuitton. |
Sự phát triển của công nghệ đã cho phép hàng loạt công ty nhỏ ở Thâm Quyến, một số thậm chí chỉ có khoảng 10 nhân viên, sản xuất ra cái mà họ gọi là shanzhai, tiếng địa phương dùng để chỉ điện thoại di động trên thị trường chợ đen, thường có giá chỉ khoảng 20 USD.
Song song với sự chuyển mình của các công ty bản địa từ chế tạo đồ chơi, hàng may mặc, sang sản xuất máy tính, ôtô điện tử... là sự phát triển của ngành sản xuất hàng nhái, hàng dởm. Sau nhiều năm làm túi xách nhái hàng hiệu và đĩa DVD rẻ tiền, ngành công nghiệp này đang chiếm giữ được một thị phần đáng kể từ tay các hãng chế tạo điện thoại di động lớn nhất thế giới. Điện thoại shanzhai mới chỉ xuất hiện khoảng vài năm trở lại đây nhưng chúng đã chiếm tới hơn 20% doanh số bán ở Trung Quốc, vốn là thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới, theo thống kê của Gartner.
|
Một đại siêu thị điện thoại ở Thâm Quyến. |
Điện thoại nhái và dởm còn đang được xuất khẩu bất hợp pháp sang Nga, Ấn Độ, Trung Đông, châu Âu và thậm chí cả Mỹ. "Thị trường điện thoại shanzhai đang mở rộng một cách đáng kinh ngạc", Wang Jiping, nhà nghiên cứu cao cấp của IDC, chuyên theo dõi các xu hướng công nghệ, đưa ra nhận xét. "Họ bắt chước mẫu mã của tất cả, từ Nokia đến Apple, bất cứ thứ gì họ nhận thấy khách hàng sẽ thích và họ luôn đáp ứng rất nhạy bén nhu cầu của thị trường".
Quan ngại trước sự bành trường của ngành điện thoại nhái, các thương hiệu di động hàng đầu thế giới đang gây sức ép buộc chính phủ Trung Quốc phải có biện pháp trấn áp, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng về những nguy cơ tiềm tàng khi dùng hàng giả, trong đó có rủi ro tính mạng khi dùng sản phẩm với pin rẻ tiền, ẩn chứa nguy cơ cháy nổ.
|
Các nhà sản xuất điện thoại nhái rất nhanh nhạy trong việc đáp ứng xu hướng thị hiếu của khách hàng. |
Bản thân các hãng sản xuất điện thoại ở Trung Quốc cũng đang đau đầu vị mất thị phần vào tay thế giới điện thoại "ngầm", khi mà đối thủ này có lợi thế cạnh tranh hoàn toàn về kinh phí sản xuất, trốn được thuế cũng như các loại chi phí khác do pháp luật quy định. "Chúng tôi đang bị thiệt hại nghiêm trọng trước các đối thủ shanzhai. Đơn cử, chúng tôi phải trả 17% thuế VAT từ doanh thu, trong khi bọn họ không mất đồng nào", Chen Zhao, Giám đốc công ty điện thoại Konka, nói. Điện thoại dởm và nhái thậm chí còn được lăng xê hoành tráng trên các chương trình quảng cáo truyền hình vào lúc nửa đêm với những lời hấp dẫn như "giá chỉ bằng 1/5 nhưng tính năng và mẫu mã y hệt", hay thậm chí còn khơi gợi cả lòng yêu nước của người tiêu dùng như "Hãy mua điện thoại shanzhai để chứng minh tình yêu quê hương của bạn".
Tháng trước, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã ra lời cảnh báo về nguy cơ từ các loại điện thoại shanzhai, trong đó có đoạn "mức độ bức xạ từ các sản phẩm này thường vượt quá giới hạn cho phép". Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng nước này cho biết thêm, điện thoại bị lỗi là dạng khiếu nại số 1 trong năm qua. Cách đây mấy tuần, các báo ở Trung Quốc đưa tin, một người đàn ông 45 tuổi ở miền Nam đã bị bỏng nặng sau khi điện thoại của anh ta phát nổ ngay trong túi quần.
|
Bốn kiểu nhái iPhone với kích thước khác nhau. |
Tuy nhiên, tất cả những điều trên dường như không mảy may ảnh hưởng tới thị trường điện thoại "đen", vì với giá bán lẻ siêu rẻ, cao nhất cũng chỉ từ 100 đến 150 USD, chúng vẫn đủ sức hấp dẫn đối với rất nhiều người tiêu dùng có ít tiền nhưng lại thích chơi đồ sành điệu. "Tôi thấy hình ảnh chiếc iPhone trên một trang web trông thật đẹp nhưng giá lại là 500 USD. Quá đắt", Yang Guibin, một nhân viên văn phòng 30 tuổi ở Trùng Khánh nói. "Thế là tôi quyết định mua một cái shanzhai iPhone ở đây. Trông chả khác gì nhau".
Một số chuyên gia cho rằng, shanzhai là một hiện tượng xã hội, phản ánh nhu cầu sáng tạo theo phong cách của người Trung Hoa. "Những công ty quy mô nhỏ ở Trung Quốc thực ra rất sáng tạo", giáo sư Yu Zhou ở đại học Vassar (Mỹ) nhận xét. "Hãy xem cách mà họ thiết lập cả một mạng lưới kinh doanh sản xuất và tốc độ phản ứng của họ đối với các xu hướng mới của người tiêu dùng. Về kỹ thuật, điện thoại của họ vừa giống hệt với các thương hiệu lớn nhưng thực tế còn được bổ sung thêm những tính năng đặc biệt như màn hình lớn hơn, 2 sim 2 sóng và thậm chí có cả ống tele gắn sẵn cho camera".
|
Ngành công nghiệp điện thoại nhái ở Thâm Quyến có thể làm các kiểu mobile phone. |
Sự "thăng hoa" của ngành công nghiệp nhái điện thoại ở Trung Quốc bắt đầu vào năm 2005 sau khi hãng thiết kế bán dẫn Mediatek của Đài Loan tung ra một giải pháp hỗ trợ các công ty trong đại lục giảm bớt chi phí và mức độ phức tạp khi sản xuất điện thoại. Mediatek đã phát triển ra một bản mạch điện tử có khả năng tích hợp các chức năng của nhiều chip một cách ít tốn kém, tạo cơ hội cho những công ty nhỏ có được một nền tảng bán dẫn ban đầu để sản xuất điện thoại. Ngành mobile phone nhái ở Trung Quốc được tiếp thêm động lực mạnh hơn vào năm 2007 khi cơ quan quản lý tuyên bố doanh nghiệp nội địa không còn cần phải xin giấy phép sản xuất điện thoại.
Như chim xổ lồng, các loại điện thoái bắt chước hàng hiệu và điện thoại giả ào ạt được tung ra. Mọi công ty đều có thể mua được bản mạch chip của Mediatek chèn sẵn phần mềm, mua thêm linh kiện khác và rồi thuê một nhà máy nào đó lắp thành điện thoại hoàn chỉnh. Theo Zhang Haizhen, người điều hành một công ty sản xuất điện thoại shanzhai, không một nhà máy nào từ chối tăng thêm một ca đêm để lắp điện thoại nhái cho những công ty như của ông. "Chẳng ai lại nói không với một đơn hàng lên tới 5.000 chiếc", Haizhen nói. Sau khi hàng ra lò, chiến lược marketing của các công ty này rất đơn giản: ăn cắp các thương hiệu lớn hoặc nhái na ná, chẳng hạn Sumsung thay cho Samsung, hoặc Nckia thay vì Nokia.
"Chúng tôi là những nhà sản xuất điện thoại bất hợp pháp", Zhang Feiyang, chủ một hãng chuyên làm điện thoại iPhone nhái, thừa nhận. "Và chúng tôi có thể chế tạo bất kỳ dạng điện thoại nào".
Minh Hồng (theo The New York Times)
|