1. Gateway MC7803u
Điểm số: 78
Cấu hình: Cỗ máy này hứa hẹn nhiều tính năng giải trí hấp dẫn, giá cả hợp lý. Song nếu bạn có đòi hỏi ngặt nghèo về mặt hiệu suất, MC7803u sẽ tỏ ra hơi đuối sức.
Điều đầu tiên cần nói đến là ngoại hình của MC7803u trông sang trọng, "quý tộc" và đắt tiền hơn nhiều so với giá bán thực tế của nó. Chẳng cần phải là thiên tài thì bạn cũng đoán được rằng: Gateway sẽ buộc phải cắt giảm nhiều tính năng và chi tiết trong cấu hình để bù lại chi phí.
Hệ thống được trang bị chip lõi kép Core 2 Duo T5800, tốc độ 2 GHz của Intel, cộng với RAM 4GB và chip đồ họa AMD Radeon HD 3650 512MB. Mặc dù vậy, MC7803u vẫn bất lực trong việc thỏa mãn các game thủ ở mức vừa đủ, hiển thị hình ảnh ở độ phân giải trung bình nhưng vẫn bị giật và chậm.
Về tuổi thọ pin, MC7803u thuộc loại khá với 3 giờ, 48 phút chạy liên tục (đây là thời lượng chấp nhận được với những cỗ máy màn hình 16 inch). Chất lượng màn hình, tuy vậy, không được tốt lắm. Nó gặp vấn đề về hiển thị ánh sáng và màu sắc ở các độ phân giải cao.
Với MC7803u, bạn nhận được tổng cộng 4 cổng USB, ngõ ra VGA và HDMI, kết nối modem/ethernet, Bluetooth và Wi-Fi 802.11n. Ngoài ra còn có đầu đọc thẻ nhớ, 2 jack cắm tai nghe và một jack cắm mic ở phía trước, cùng với webcam tích hợp ngay trên màn hình. Tuy nhiên, đừng cố công tìm kiếm cổng eSATA, FireWire hay Blu-ray ở đây.
Chất lượng âm thanh, thật không may, cũng đã bị Gateway hy sinh để hạ thấp giá thành. Do máy không có loa trầm nên âm thanh nghe rất "chua", thiếu chiều sâu.
Cuối cùng, với chiều dày lên tới 48mm và nặng tới 8,8 pound (bao gồm cả sạc pin) - bạn sẽ chẳng muốn xách cỗ máy này đi đâu cả.
2. Samsung X460-44P
Giá bán: 1600 USD
Điểm số: 77
Samsung đã mở lại chiến dịch tấn công vào thị trường laptop Mỹ bằng một đối thủ rất đáng gờm, ngay cả với dòng laptop siêu di động hạng sang chứ không chỉ dừng lại ở phân khúc laptop tất-cả-trong-một.
Sở hữu một thiết kế hết sức long lanh, sành điệu, phong cách, X460-44P được trang bị màn hình 14,1 inch, siêu mỏng và rất nhẹ chứ không cồng kềnh và nặng chịch như Gateway MC7803u.
Bỏ ra 1600 USD và bạn sẽ có một hệ thống khá mạnh trong tay: chip lõi kép Intel Core 2 Duo P8400 CPU tốc độ 2,26 Ghz, RAM 3GB và chip đồ họa nVidia GeForce 9200 GS 256MB. Dù cho đây không phải là loại chip thượng thặng về sức mạnh đồ họa, song nó vẫn mang đến cho bạn chất lượng hình ảnh "ngon lành" hơn hẳn so với laptop siêu di động.
Tuổi thọ pin cũng rất khá: chạy được liên tục trong 4,5 tiếng đồng hồ. Chỉ dày 3 cm và nặng 4,2 pound (nhẹ bằng một nửa so với Gateway MC7803u), bạn sẽ chẳng ngại chút nào khi phải mang vác X460 theo người trong những chuyến công cán. Vỏ máy cứng cáp, chắc chắn, không ngại va đập.
Bạn sẽ được trang bị rất nhiều ngõ cắm, từ VGA, HDMI, ethernet, modem, 802.11n Wi-Fi cho đến Bluetooth. Ở hai bên là ba cổng USB, một đầu đọc thẻ flash 5-trong-1, một khe cắm thẻ PC Express và jack cắm headphone/mic. Cuối cùng là webcam 1,3 chấm và đầu đọc dấu vân tay.
Màn hình LED 14,1 inch của máy đặc biệt sáng, sắc nét và hiển thị màu sắc rất sống động. Bạn có thể xem màn hình trong bất cứ điều kiện ánh sáng nào, dù trong nhà hay ngoài trời mà cũng không bị mỏi mắt.
Ngay cả âm thanh của X460 cũng rất ổn, bất chấp sự thiếu vắng của loa siêu trầm. Âm lượng có thể bật lên đủ to để bạn không phải nghe nhạc bằng tai nghe.
3. Lenovo ThinkPad T400
Giá bán: 1419 USD
Điểm số: 77
So với các mẫu máy tính xách tay phục vụ mục đích công việc gác, Lenovo T400 sở hữu một tuổi thọ pin dài, danh sách phần mềm tuyệt vời cộng với mức giá rất hợp lý.
Về hiệu suất, ThinkPad T400 nhỉnh hơn đôi chút so với Acer TravelMate 6293 trong nhóm laptop tất-cả-trong-một hạng sang. Các ứng dụng được cài chật cứng bên trong ổ cứng 7200 vòng quay/phút, dung lượng 160GB. Hệ thống sử dụng chip lõi kép Intel Core 2 Duo tốc độ 2,53 Ghz T9400, đi kèm với RAM 2GB và chip đồ họa ATI Radeon Mobility HD 3400.
Mặc dù vậy, bạn không nên kỳ vọng quá nhiều ở "năng lực đồ họa" của máy. Trong cuộc kiểm tra của PCWorld, đồ họa game khá tệ. Tuy nhiên, bạn cũng chẳng nên quá bất ngờ bởi T400 vốn được thiết kế chỉ chuyên cho mục đích công việc mà thôi.
Màn hình LED 14,1 inch của máy có độ phân giải 1440 x 900 pixel, không làm mỏi mắt kể cả trong điều kiện nhiều sáng. Gói pin 9 lõi khá nặng và cồng kềnh, nhưng sau khi tận hưởng tới 8 tiếng sử dụng liên tục cho mỗi lần sạc, bạn sẽ thấy mình đủ bao dung để bỏ qua mọi nhược điểm.
Bàn phím của máy điển hình cho phong cách thiết kế của Lenovo, rất dễ dùng, thoải mái, rộng rãi. Dãy phím tắt cũng đáng chú ý với phím phóng to văn bản, phím ThinkLight kích hoạt đèn LED ngay trên màn hình, giúp bạn định vị các phím bấm trong điều kiện thiếu sáng.
Các tính năng cơ bản của laptop đều hội tụ đủ trong T400, từ webcam, đầu ghi đĩa DVD/CD, ngõ ra cho VGA và khe cắm thẻ nhớ Express Card. Bạn cũng sẽ tìm thấy ở đây Bluetooth, 3 cổng USB, cổng FireWire và jack cắm mic/tai nghe hay Wi-Fi 802.11n.
Các phần mềm bảo mật mới được cài sẵn trong máy cùng với đầu đọc dấu vân tay. Gói ứng dụng ThinkVantage phục vụ bạn những nhiệm vụ thường gặp như thiết lập kết nối không dây, quản lý cài đặt mức độ tiêu thụ điện, sao chép dự phòng dữ liệu hay tùy biến cấu hình bảo mật...
Nói tóm lại, T400 là một sự lựa chọn rất đáng để tâm, dựa trên các yếu tố thiết kế, ứng dụng, hiệu suất và tính năng. Dù cho giá thành của nó có hơi quá tầm tay của bạn một chút đi chăng nữa.
4. Lenovo IdeaPad Y650
Giá bán: 1299 USD
Điểm số: 77
Đây là một cỗ máy phù hợp cho cả môi trường gia đình lẫn nhiệm sở, đa năng, màn hình lớn nhưng vẫn đủ nhẹ để bạn vác theo khắp nơi.
Thoạt nhìn, IdeaPad Y650 sở hữu khá nhiều tính năng "sexy" như màn hình LCD 16 inch và ổ cứng "khổng lồ". Thế nên nhà sản xuất mới không ngần ngại quảng cáo đây là "trung tâm giải trí di động". Tuy nhiên, nếu dùng thử, bạn mới thấy chất lượng hình ảnh không được như kỳ vọng.
Linh kiện của Y650 thuộc loại mạnh với chip lõi kép Intel P8600 Core 2 Duo tốc độ 2,4 Ghz, RAM DDR3 11066 MHz dung lượng 3G, ổ cứng 320GB và chạy được phiên bản 32-bit của Windows Vista Home Premium. Y650 đã thể hiện phong độ rất tốt trong cuộc kiểm tra hiệu suất của PCWorld, nhưng lại đột ngột ngã ngựa ở vòng kiểm tra năng lực đồ họa. Đây quả là một nhược điểm chí mạng, nếu xét đến "danh hiệu" mà Y650 phấn đấu đạt đến.
Màn hình của Y650 hiển nhiên là lớn, ánh sáng tốt, hiển thị màu sắc đủ sống động và sắc nét. Mắt bạn vẫn thoải mái khi nhìn lâu vào màn hình. Tuy nhiên, độ phân giải khá thấp (1366x768 pixel) mà Lenovo lựa chọn cho màn hình 16inch là đáng thật vọng. Tệ hơn nữa, Lenovo lại không cho phép người dùng nâng cấp lên màn hình có độ phân giải cao hơn (1920 x 1080 pixel).
Danh sách các ngõ nhập liệu của Y650 khá ngắn: một cổng ethernet, một khe cắm thẻ ExpressCard, một kết nối eSATA, hai cổng USB, một đầu đọc thẻ flash 6-trong-1, jack cắm microphone/headphone, ngõ ra HDMI và VGA.
Máy được trang bị một webcam để phục vụ cho tính năng chat và nhận dạng khuôn mặt. Cơ chế bảo mật này hoạt động khá tốt nhưng máy cần tới 45 giây để nhận ra các đường nét trên mặt bạn, tùy thuộc vào điều kiện ánh sáng.
Không thể không nhắc tới chất lượng dàn loa tuyệt hảo của Y650. Trừ phi bạn có đòi hỏi quá khắt khe về âm thanh "pro", nếu không, bạn sẽ kết ngay Y650. Tuy nhiên, mức giá xấp xỉ 1300 USD của máy là hơi "quá tay".
5. MSI GT627
Giá bán: 1150 USD
Điểm số: 77
MSI GT627 mang đến cho bạn rất nhiều tính năng bên trong một thiết kế nhỏ gọn, tuy nhiên những hạn chế về bàn phím và màn hình đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến mức độ hấp dẫn của nó.
Về ngoại hình, GT627 "trú ngụ" bên trong lớp vỏ aluminum đen nhã nhặn, với một đường viền màu đỏ tô điểm xung quanh. Thiết kế này tỏ ra khá bắt mắt và thời trang.
Nhắm đến thị trường laptop chơi game bình dân, cấu hình phần cứng của GT627 khá ấn tượng trên lý thuyết. Đầu tiên phải kể đến chip lõi kép Intel Core 2 Duo P8400 tốc độ 2,26 GHz, đi kèm với RAM 4GB, ổ cứng 320GB và chip đồ họa nVidia GeForce 9800M.
Khả năng hiển thị hình ảnh game của máy khá tốt so với các laptop đa năng cùng hạng. Chỉ có điều, tuổi thọ pin thật quá "gây sốc": vẻn vẹn 2 tiếng 20 phút cho mỗi lần sạc, tức là ngắn hơn gần như tất cả các model đối thủ tới một tiếng đồng hồ.
Màn hình 15,4 inch của GT627 cũng hiển thị màu sắc khá tốt, nhưng góc nhìn từ trên xuống hơi kém. Với một mẫu notebook bình dân, có giá bán bằng một nửa thì độ phân giải 1280 x 800 pixel là hợp lý. Nhưng với một chiếc laptop chơi game có giá bán trên 1100 USD thì lẽ ra, độ phân giải tối thiểu cũng nên là 1440 x 900 pixel.
Một đặc điểm nữa không thân thiện với game thủ chút nào chính là việc thiết kế các phím bấm thường dùng như Blackspace, Entert và Shift rất không hợp lý, phi chuẩn. Chúng nhỏ hơn nhiều so với lẽ ra phải thế, gây khó khăn cho việc điều khiển game. Bạn dễ dàng mắc lỗi do gõ nhầm phím.
Cuối cùng, bạn sẽ được trang bị webcam 2 chấm, dàn loa stereo (dù âm thanh khá mỏng và nhỏ). Rất may là phần mềm Dolby Control Center cài sẵn sẽ tạo ra chút khác biệt.