Theo dự thảo Luật Thuế Nhà đất, nhà ở có giá trị từ 600 triệu đồng hàng năm sẽ phải nộp thuế với mức 0,05%. Thuế suất áp dụng với nhà trên 1,2 tỷ đồng là 0,1%.
Dự thảo Luật Thuế nhà, đất đang được Bộ Tài chính trưng cầu ý kiến trước khi trình Chính phủ, trong đó quy định giá tính thuế của nhà được xác định theo diện tích nhà, gồm toàn bộ diện tích sàn xây dựng (kể cả diện tích công trình phụ, diện tích ban công) và bảng giá do Nhà nước ban hành, áp dụng đối với tất cả các cá nhân đang sở hữu nhà.
|
Nhà có giá trên 1,2 tỷ dự kiến sẽ phải đóng thuế 0,1%. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, đối với nhà ở sẽ có hai phương án tính thuế.
Theo dự thảo, các tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất là những đối tượng thuộc diện chịu thuế. Những trường hợp chưa có sổ đỏ, sổ hồng, nhưng đủ điều kiện được cấp theo quy định của pháp luật, cũng thuộc diện chịu thuế.
Nếu trong năm có thay đổi quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất mà người có quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất trước đó chưa nộp hoặc mới nộp 50% số thuế phải nộp vào kỳ đầu của năm thì người sau cũng phải nộp thuế. Trường hợp người sở hữu nhà, sử dụng đất trước đó đã nộp đủ số thuế phải nộp trong năm thì người sau sở hữu nhà, sử dụng đất không phải nộp thuế. |
Phương án 1, áp dụng một mức thuế 0,05% đối với các loại nhà có giá tính thuế từ 600 triệu đồng trở lên. Ví dụ, nhà có diện tích sàn 50 m2, giá 4 triệu đồng cho mỗi m2, giá tính thuế nhà là 200 triệu đồng, sẽ không thuộc diện chịu thuế. Trường hợp nhà có diện tích sàn 150 m2, giá 4,5 triệu đồng cho mỗi m2. Khi ấy giá tính thuế nhà là 675 triệu đồng. Và số thuế phải nộp sẽ là 675 x 0,05% = 337.500 đồng. Bộ Tài chính cho rằng đây là phương án đơn giản, dễ thực hiện, không điều tiết đối với những người sử dụng nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, chưa điều tiết cao được đối với trường hợp sở hữu nhiều nhà, không góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ về nhà ở.
Vì vậy, Bộ đề xuất phương án 2, áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần với 3 bậc thuế tương ứng với giá trị của nhà ở. Trong đó, căn hộ có giá dưới 600 triệu đồng chưa phải đóng thuế, từ trên 600 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng áp dụng thuế suất 0,05% còn căn hộ trên 1,2 tỷ đồng áp dụng thuế suất 0,1%. Như vậy với căn hộ có giá 1,65 tỷ đồng sẽ phải nộp khoản thuế tương ứng là: 600 (triệu đồng) x 0% + 600 (triệu đồng) x 0,05% + 450 (triệu đồng) x 0,1%= 750.000 đồng.
Bộ Tài chính thiên về phương án 2 vì cho rằng có ưu điểm là không điều tiết đối với những người sử dụng nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình, điều tiết cao đối với trường hợp sở hữu nhiều nhà, góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ về nhà ở, đảm bảo công bằng xã hội. Theo phương án này thì đại bộ phận nhà ở hiện nay ở nông thôn và đô thị không thuộc diện chịu thuế mà chỉ có một số nhà mới xây dựng có diện tích lớn và nhà biệt thự là thuộc diện chịu thuế.
Nhà ở áp dụng thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần:
Bậc thuế |
Giá tính thuế của nhà ở (triệu đồng) |
Thuế suất (%) |
1 |
Đến 600 |
0 |
2 |
Trên 600 đến 1.200 |
0,05 |
3 |
Trên 1.200 |
0,1 |
Đối với đất ở, Bộ Tài chính cũng đưa ra 3 phương án ứng với các loại thuế suất khác nhau 0,05% và 0-0,1%.
Phương án một áp dụng thuế suất cơ bản 0,05% cho tất cả các loại đất ở. Cách tính này đơn giản, dễ thu nhưng hạn chế là chưa điều tiết cao được đối với trường hợp có quyền sử dụng nhiều đất và không hạn chế được nạn đầu cơ. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp dụng phương án này, số thuế thu được với đất ở vào khoảng 1.631 tỷ đồng, gấp 2,77 lần so với hiện hành. Trong đó, đất ở tại nông thôn khoảng 192 tỷ đồng và đất ở đô thị khoảng 1.439 tỷ đồng.
Phương án 2 nâng mức thuế lên gấp đôi (0,1%) đối với phần diện tích vượt hạn mức; phần diện tích trong hạn mức, thuế suất 0%. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp dụng phương án 2, số thuế thu được với đất ở vào khoảng 35,4 tỷ đồng, bằng 6% so với hiện hành.
Còn với phương án 3, áp dụng thuế suất theo biểu lũy tiến từng phần, đối với đất trong hạn mức quy định là 0,05% còn đất vượt hạn mức là 0,1%. Hạn mức diện tích đất làm căn cứ tính thuế cho cả hai phương án trên là hạn mức công nhận đất ở theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tổng số thuế thu được vào khoảng 1.649 tỷ đồng mỗi năm, gấp 2,8 lần hiện hành. Trong đó, đất tại đô thị chiếm khoảng 88% tổng doanh thu, tương đương với 1.457 tỷ đồng, còn lại là đất ở nông thôn với 192 tỷ đồng, chiếm 12% tổng doanh thu.
Bộ Tài chính thiên về phương án 3 khi cho rằng các mức thuế được điều tiết vừa phải đối với mọi người dân nhưng lại thu rất cao đối với những người có sở hữu đất đai lớn. Đánh đúng vào điểm sơ hở nhất hiện này là thuế không điều tiết được tình trạng đầu cơ đất đai. Số thu thuế cho Nhà nước theo đó cũng sẽ tăng lên cao.
Đất ở áp dụng thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần:
Bậc thuế |
Diện tích đất chịu thuế (m2) |
Thuế suất (%) |
1 |
Diện tích trong hạn mức |
0,05 |
2 |
Phần diện tích vượt hạn mức |
0,1 |
Đề án Luật Thuế Nhà đất dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2011, thay thế Pháp lệnh Thuế nhà, đất có hiệu lực thi hành từ năm 1994. Pháp lệnh Thuế nhà, đất hiện hành chỉ quy định đất ở và đất xây dựng công trình phải đóng thuế, còn các loại nhà ở chưa thuộc diện chịu thuế. Thuế đất ở và đất xây dựng tại các thành phố, thị trấn, thị xã được chia là 5 loại dựa cao hơn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 3 đến 32 lần.
Trong đó, đất đô thị loại 1 bằng 9 đến 32 lần so với thuế đất nông nghiệp, đô thị loại 2 từ 8 đến 30 lần, đô thị loại 3 từ 7 đến 26 lần, đô thị loại 4 từ 5 đến 19 lần và đô thị loại 5 từ 5 đến 13 lần.
Dự thảo Luật cũng đề cập đến 9 trường hợp thuộc diện miễn giảm thuế, gồm đất xây dựng trụ sở cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước, tổ chức xã hội, công trình văn hóa, đất chuyên dùng vào mục đích quốc phòng và an ninh; Nhà ở, đất ở của người dân tộc thiểu số ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn; Nhà ở, đất ở của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh hạng 1/4, 2/4; bệnh binh hạng 1/3; bà mẹ Việt Nam anh hùng;
Ngoài ra các thân nhân liệt sỹ được hưởng trợ cấp hàng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; nhà tình nghĩa; đất xây dựng trại trẻ mồ côi, trại cai nghiện; viện dưỡng lão; Nhà ở, đất ở của người tàn tật, người chưa đến tuổi thành niên và người già cô đơn không nơi nương tựa không có khả năng nộp thuế; nhà ở, đất ở của đối tượng là hộ nghèo. Người nộp thuế gặp khó khăn do bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ được miễn thuế nếu giá trị thiệt hại về tài sản trên 50% tổng giá trị tài sản (tài sản cố định, tài sản lưu động) có trên lô đất chịu thuế. Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Dự án sử dụng đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh (xã hội hóa) thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.... cũng nằm trong diện được miễn, giảm thuế... |
Hồng Anh
|