EngLish l Vietnamese
VĂN HOÁ - THE THAO
XÃ HỘI
 

Tại suối Yến, ngoài tiền vé 25.000 đồng một người, mỗi đoàn khách phải trả thêm cho chủ đò 200.000 - 300.000 đồng. Trên tuyến đường mòn dẫn lên Hương Tích, nhiều thanh niên ngang nhiên thu phí phát quang bụi rậm.
> Chùa Hương kẹt cứng trong ngày khai hội

Năm nay, trên các tuyến đường hướng về đất Phật vắng bóng những người phi xe máy vun vút bám theo những chiếc ôtô chở đầy khách để chào mời sử dụng dịch vụ thuyền đò, nhà trọ... Một "thợ săn" lâu năm cho biết, Hà Nội vừa có quy định tạm giữ xe đối với những người đeo bám, mời chào khách nên người dân Hương Sơn tạm nghỉ để nghe ngóng tình hình.

Tại bến đò Suối Yến, dù loa của Ban tổ chức liên tục nhắc việc cấm chủ đò ép khách trả thêm tiền, nhưng trong ngày khai hội, do lượng khách đổ về đông nên để được ngồi trên đò vào "Nam thiên Đệ nhất động", ngoài tiền vé 25.000 đồng một người, mỗi đoàn khách còn phải trả thêm cho chủ đò 200.000 - 300.000 đồng một chuyến cả đi lẫn về. Nếu không chi thêm khoản này, chủ đò không chịu xuất bến.

Dù đã có vé đi đò nhưng du khách vẫn phải
Dù đã có vé đi đò nhưng du khách vẫn phải "mặc cả" với chủ đò. Ảnh: Khánh Chi.

Sau một hồi thương lượng không thành, gia đình anh Hùng ở Đống Đa (Hà Nội) đành bấm bụng chi thêm 300.000 đồng cho chủ đò. "Nhà tôi có 9 người nên riêng vé đò đã hết hơn 200.000 đồng, vậy mà họ vẫn lắc đầu quay đi, nhất quyết đòi chi thêm tiền mới chịu xuất bến", anh Hùng bức xúc.

Cũng rơi vào tình trạng tương tự, nhưng cặp vợ chồng trẻ nọ không thể kham nổi cái giá 300.000 đồng được chủ đò "hét" nên họ đành đứng đợi một đôi khác đồng ý đi chung.

Phân trần khoản "lộ phí" này, một chủ đò cho hay: "Do khách đông, thiếu đò nên mới đòi hỏi vậy chứ vào mùa, ngoài tiền vé khách thấy hài lòng thì cho thêm dăm ba chục, còn không thì thôi chẳng phàn nàn gì".

Bên cạnh việc "vòi" thêm tiền của khách, hầu hết các đò đều chở gấp 2-3 lần trọng tải quy định và lái đò không đeo phù hiệu. Phần lớn các con đò nhỏ dành cho 5 người đều phải cõng tới 8-10 người, còn đò lớn được chở 12 người thì bị nhét tới gần 40 khách.

Do chỉ mất vài phút, thay vì phải bỏ cả tiếng leo hàng nghìn bậc đá để lên được Hương Tích nên ngay từ khi mới khánh thành, Ga cáp treo Thiên Trù đã tấp nập khách. Vào ngày khai hội vừa qua, hàng nghìn người đã phải xếp hàng trong sự chen lấn, xô đẩy giành được một chỗ ngồi trong carbin.

Trong nhà ga, âm thanh phát ra nghe rõ nhất chính là tiếng la hét và còi của nhân viên bảo vệ. Xen vào đó là tiếng người la hét, xô đẩy, cãi vã nhau. Dù được bố cõng trên vai nhưng không ít đứa trẻ phải khóc thét lên vì sợ hãi, vì bị xô đẩy. Một số người không chịu được sự ngột ngạt, bức bối này đành trèo hàng rào ra ngoài. Dòng người đứng trong lối đi hình zích zắc chốc chốc lại nhích từng bước nhỏ...

Xếp hàng chờ lên cáp treo,
Bảo vệ phải dùng cả công cụ hỗ trợ để lập trật tự khu vực xếp hàng lên cáp treo. Ảnh: Khánh Chi.

Bên ngoài sân Ga Thiên Trù, dòng người xếp hàng kéo dài hàng chục mét. Vậy mà phía trước cổng ga, cả chục tay "cò" vé vẫn không ngừng đánh lừa du khách. Đánh mắt về phía dòng người đang xếp hàng, một cò vé mồi chài: "Vé này chỉ đắt hơn trong quầy 5.000 đồng thôi nhưng cứ cầm là lên cáp đi luôn, không cần xếp hàng".

Hành vi lừa đảo của "cò" vé diễn ra công khai ngay trước quầy bán vé, bất chấp sự xuất hiện của những công an mặc sắc phục.

Không đi được cáp, nhiều người đành quay ra leo bộ. Dọc con đường 2 km từ Thiên Trù lên Hương Tích san sát hàng quán, rác thải vứt khắp nơi. Những nhà vệ sinh công cộng có thu phí được người dân xây dựng tạm bợ mọc lên nhan nhản.

Vì tắc ga cáp treo nên lượng người đi bộ quá đông và đường bộ dẫn lên Hương Tích cũng... tắc. Không có lối thoát, nhiều người đành quay về, bỏ dở chuyến hành hương đầu năm về đất Phật. Một số men xuống triền núi tìm đường đi tắt.

Thanh niên đứng thu tiền.
Thanh niên áo xanh (đứng quay lưng) đang thu tiền "phát quang đường mòn" của người đi tránh đường tắc. Ảnh: Khánh Chi.

Tuy nhiên, theo quan sát của VnExpress.net, trên mỗi chiều đường mòn dẫn lên và xuống đoạn đường tắc đều có 2 thanh niên đứng cách nhau vài trăm mét thu của mỗi khách 2.000 - 3.000 đồng "phí phát quang đường". Chỉ sau hơn một tiếng, trên tay mỗi người là xấp tiền khá dầy.

"Vất vả lắm chúng tôi mới phải đi theo đường mòn, vậy mà họ lấy lý do bỏ công phát quang để đứng ra chặn đường, tự ý thu tiền. Ai không nộp thì bị dọa nạt. Thật là vô lý hết chỗ nói", bà lão chừng 65 tuổi bày tỏ bức xúc.

Mặc dù Ban tổ chức bắt buộc các đò phải trang bị sọt để khách bỏ rác nhưng hiện số đò tuân thủ quy định này không nhiều. Dù có chỗ để rác, nhiều du khách sau khi ăn uống xong tiện tay quẳng luôn vỏ bánh, lon bia, chai nước... xuống dòng suối trong xanh.

Ngay tại trạm soát vé, những tấm vé sau khi rời khỏi tay khách cũng bị nhân viên tại đây quăng luôn xuống đất, dù thùng rác nằm ngay bên cạnh. Thậm chí, dù có băng rôn tuyên truyền nhưng vài thùng rác bé xíu đặt dưới sân dẫn lên Thiên Trù cũng không thể kham nổi lượng rác khổng lồ của hàng vạn du khách thải ra.

Thùng rác.
Vài thùng rác lác đác đặt dưới sân Thiên Trù không thể kham nổi lượng rác khổng lồ. Ảnh: Khánh Chi.

Do vậy, dưới chân mỗi quán ăn la liệt vỏ bánh, vỏ lon bia, chai nước... Lác đác, có những hộ kinh doanh để thùng rác ở vệ đường, nhưng chủ yếu để lượm vỏ lon của khách qua lại.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, năm nay có chừng 4.000 đò chở khách hoạt động trên suối Yến. Tất cả các đò đều phải gắn biển số, có thùng đựng rác và lái đò phải đeo số phù hiệu. Lực lượng thanh tra giao thông được yêu cầu kiểm tra liên tục trên suối để đảm bảo an toàn giao thông và tránh việc nâng giá đò.

Lễ hội chùa Hương 2009 dự kiến thu hút chừng 1,4 triệu lượt khách và riêng ngày khai hội đã có hơn 6 vạn lượt khách thăm quan thắng cảnh này.

Khánh Chi

Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần máy tính và truyền thông Việt Nam
Địa chỉ: 18 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện Thoại: 844 7715126 - 844 8 344665, Fax 844 8343466