EngLish l Vietnamese
TIN TỨC TỔNG HỢP
VI TÍNH - Thứ tư, 09/03/2011
 

ICTnews - Cho dù đang có doanh thu và lợi nhuận tương đối tốt, nhưng trong bối cảnh giá cả tăng cao, các “đại gia" ICT cũng phải đau đầu tính toán và đưa ra các biện pháp đối phó với những thách thức này.

Di động không nghĩ đến chuyện giảm cước

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc MobiFone cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá giữa tiền đồng và USD chắc chắn sẽ tác động đến các mạng di động bởi việc đầu tư, nâng cấp thiết bị sẽ bị tăng lên khoảng 10%. Việc điều chỉnh tỷ giá mới diễn ra nên tác động của nó đến các mạng di động chưa rõ ràng lắm.

Thế nhưng, ông Nguyễn Đình Chiến cho rằng, những tác động của “bão giá” đang tác động trực tiếp đến nhà mạng vì chi phí đầu vào tăng mạnh do điện, xăng và các hàng hóa, dịch vụ khác tăng. “Với việc chúng ta đang phải đối mặt “bão giá” thì lợi nhuận của các mạng di động sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Hiện MobiFone chưa thể tính đến chuyện giảm cước. Với tình hình thực tế hiện nay, các mạng di động không tăng cước cũng gần như có nghĩa là giảm cước”, ông Nguyễn Đình Chiến nói.

Phía VinaPhone cũng đồng tình với quan điểm của MobiFone và cho biết, tình hình giá cả hiện nay sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các mạng di động. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tỷ giá giữa tiền đồng và USD cũng tác động mạnh đến các mạng di động. “Hiện 100% thiết bị viễn thông và máy điện thoại di động đều phải nhập bằng USD. Trong khi đó, một đặc điểm của viễn thông là phải liên tục đầu tư mở rộng và nâng cấp mạng lưới. Vì vậy, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động đến các mạng di động. Trong điều kiện hiện nay, VinaPhone chưa nghĩ đến chuyện giảm cước”, một lãnh đạo VinaPhone nói. Phía VinaPhone cho biết đã vừa điều chỉnh giá của một số điện thoại di động như iPhone và điều chỉnh nhẹ giá của bộ Alo để phù hợp với tỷ giá giữa USD và tiền đồng.

Cùng với VinaPhone và MobiFone, Viettel cũng xác nhận họ chưa có kế hoạch gì về việc giảm cước trong điều kiện hiện nay mà chỉ tiến hành khuyến mãi để hút thuê bao mới. Viettel cho rằng, mức giá cước hiện nay đã tiến gần đến giá thành vì các mạng di động liên tục khuyến mãi ở mức tặng 100% giá trị thẻ nạp. “Với điều kiện thực tế hiện nay, việc các mạng di động giảm cước là không khả thi. Chắc chắn các mạng di động cũng sẽ trông chừng động thái của nhau và gần như các mạng di động lớn sẽ không mạo hiểm tiến hành giảm cước vào thời điểm “bão giá” này. Hơn nữa, đến thời điểm này, Bộ TT&TT chưa đưa ra lộ trình giảm cước trong năm 2011 nên gần như chắc chắn sẽ không có việc giảm cước đầu năm 2011”, một đại diện của Viettel Telecom nói.

Cũng như VinaPhone, mới đây Viettel tuyên bố điều chỉnh giá bán iPhone tăng từ 200.000 – 400.000 đồng/chiếc. Riêng đối với bộ hòa mạng SumoSim chưa có điều chỉnh gì. Viettel cho rằng, Viettel chỉ điều chỉnh giá iPhone dành cho khách hàng có thu nhập cao, còn bộ SumoSim dành cho lớp khách hàng có thu nhập thấp sẽ không điều chỉnh để tránh việc ảnh hưởng đến đối tượng này.



1a.jpg
Tỷ giá và lạm phát đang tác động trực tiếp đến nhà mạng vì chi phí đầu vào tăng mạnh.

Cơ hội để tối ưu hoá kinh doanh

Giống như các mạng viễn thông lớn, các doanh nghiệp CNTT khẳng định họ cũng “đau đầu” vì “bão giá” và tỷ giá. Đại diện Tập đoàn CMC cho biết, là một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn, gồm cả sản xuất, dịch vụ và kinh doanh nên khó tránh được ảnh hưởng của tỷ giá và lạm phát. Trong giai đoạn hiện tại, để đối phó với lạm phát, CMC sẽ xem xét trước tiên tới việc nâng cao hiệu quả hệ thống sản xuất kinh doanh và nguồn nhân lực. “Từ hơn 1 năm nay, CMC đã ứng dụng các hệ thống quản trị tiên tiến như hệ thống quản trị doanh nghiệp (ERP), hệ thống đánh giá năng suất lao động (KPI) nhằm vận hành một cách khoa học các hoạt động điều hành kinh doanh cũng như quản lý nhân sự… Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tiến hành từng bước tái cấu trúc một số bộ phận trong tập đoàn nhằm tối ưu hóa năng lực hệ thống hiện tại”, đại diện CMC nói. Phía CMC còn cho rằng, đây cũng là dịp để doanh nghiệp và nhân viên cùng chung vai chia sẻ gánh nặng “bão giá” và kêu gọi nhân viên cùng nâng cao ý thức tiết kiệm trong công việc, đơn giản như ý thức sử dụng điện, điện thoại, tới những tiêu chí trong công việc như tập trung hoạt động có trọng điểm, tránh các hoạt động dàn trải…

Phía FPT cho hay, một số chi phí đầu vào của FPT cũng tăng, do đó sẽ khó khăn hơn cho công ty khi triển khai các kế hoạch kinh doanh. Bên cạnh đó, việc biến động tỷ giá cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực kinh doanh của FPT bởi công ty có nhập khẩu các sản phẩm, dịch vụ và thiết bị từ nước ngoài. Cụ thể tại FPT, các đơn vị có thể bị ảnh hưởng lớn nhất là Công ty Cổ phần Thương mại FPT, Công ty Hệ thống Thông tin FPT và Công ty Cổ phần viễn thông FPT do phần lớn các chi phí đầu vào được nhập khẩu và thanh toán bằng ngoại tệ. Tuy nhiên do đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc quản trị rủi ro tỷ giá từ thực tiễn kinh doanh nhiều năm cũng như học hỏi các đối tác, bạn hàng lớn trên thế giới, FPT sẽ tiếp tục chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Kế hoạch kinh doanh FPT được xây dựng với các kịch bản khác nhau tương ứng với thay đổi của các yếu tố vĩ mô. “Nhiều biện pháp quản trị được FPT áp dụng trong việc quản lý rủi ro tỷ giá, điển hình như thường xuyên dự báo tình hình tỷ giá để xác định chính xác giá đầu vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh và điều chỉnh giá đầu ra phù hợp và sử dụng các công cụ bảo hiểm tỷ giá như mua forward, option, cân bằng dư nợ USD/VND… FPT cũng tiến hành tối ưu việc quản lý vòng quay vốn để giảm thiểu thiệt hại và tăng hiệu quả kinh doanh.

Đối với vấn đề lạm phát, ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động của FPT cũng như các doanh nghiệp khác là sức mua giảm sút do người tiêu dùng phải hạn chế chi tiêu khi giá cả tăng”, đại diện truyền thông của FPT cho biết.

Thái Khang

Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần máy tính và truyền thông Việt Nam
Địa chỉ: 18 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện Thoại: 844 7715126 - 844 8 344665, Fax 844 8343466